Tiền Việt Nam được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ X, thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt dưới sự trị vì của Đinh Bộ Lĩnh. Thời phong kiến, gần như mỗi đời vua lại cho phát hành loại tiền mới. Mỗi lần thay đổi niên hiệu, vua lại cho phát hành loại tiền mới. Suốt một thời gian dài, tiền kim loại (đồng tiền cổ) là thứ tiền duy nhất và mô phỏng theo tiền kim loại của các triều đình Trung Quốc.

I. Về mặt hình thức:

  1. Hình tròn, có lỗ vuông ở giữa

Mặt trước
Mặt chính của đồng tiền cổ có các chữ Hán mà ít nhất có hai chữ (vị trí 1 và 2) thường là niên hiệu của nhà vua và hai chữ sau (vị trí 3 và 4) dùng để chỉ loại tiền. Cũng có thể có loại tiền không có hai chữ này. Vị trí của bốn chữ đôi khi viết theo chiều thuận của kim đồng hồ và đôi khi viết theo kiểu chéo.

Mặt sau
Mặt sau của tiền thường không có chữ, tuy nhiên một số nhỏ có chữ để chỉ một trong các ý nghĩa sau: Triều đại, năm phát hành, nơi đúc tiền, trọng lượng, giá trị ấn định,…

2.  Kích thước và trọng lượng

  • Các đồng tiền cổ có đường kính từ 20mm- 26mm.
  • Kích thước của lỗ vuông trung bình vào khoảng 5 mm
  • Chiều dày của tiền cổ thường vào khoảng 0,5mm
  • Trọng lượng khoảng 3,5 – 4 gram là vừa phải. (Tiền Ðoan Khánh Thông Bảo của Lê Uy Mục được coi là ngoại cỡ so với các đồng tiền khác, vừa dày vừa to, có đồng nặng đến 6,2 gram
3. Chất liệu
Bằng đồng, kẽm, chì (duyên tiền), sắt (thiết tiền), vàng, bạc (ngân tiền).

4. Tên gọi

  • Thông bảo (通寶) là chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền, “Thông” có nghĩa là phổ thông, thông dụng, “Bảo” trong từ “Bảo vật, bảo bối” nghĩa là những vật quý giá, có giá trị hay còn có nghĩa là tiền tệ. “THÔNG BẢO” có nghĩa là đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất.
  • Nguyên bảo 元寶: tiền mới đầu tiên
  • Đại bảo 大寶: tiền có giá trị lớn
    Ngoài những chữ trên hay được dùng, còn có những chữ khác đúc trên tiền cổ là:
  • Vĩnh bảo 永寶: tiền lưu thông mãi mãi
  • Chí bảo 至寶: tiền cao quý nhất. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ “chí bảo” là tiền Gia Định Chí Bảo của Tống Ninh Tông (1208-1224).
  • Chính bảo 正寶: tiền chính thống. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ “chính bảo” là tiền Gia Định Chính Bảo của Tống Ninh Tông (1208-1224).
  • Cự bảo 巨寶: tiền có giá trị to
  • Trọng Bảo 重寶: Đồng tiền trọng yếu. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ “trọng bảo” là tiền Càn Nguyên Trọng Bảo của Đường Túc Tông (758-759).
  • Thuận Bảo 順寶: tiền của vua Lê Hiển Tông, kỷ niệm dịp chiếm đóng Thuận Hóa và lấy súng đồng của chúa Nguyễn ở Thuận Hoá mà đúc thành tiền…

5. Đơn vị đếm

Văn (1 đồng tiền), Cưỡng, mân, quán (1 xâu tiền).

II. Đồng tiền qua các triều đại

Tiền tệ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh dấu chủ quyền một nhà nước tự chủ, độc lập.

Triều Đinh dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc đồng tiền riêng đầu tiên của Việt Nam. Lấy tiền đề đó, mỗi triều đại sau đều cho đúc tiền mang ý nghĩa của từng triều đại đó hoặc niên hiệu của mỗi nhà vua. Thông qua các chữ được khắc tên đồng tiền, các nhà vua đều muốn gửi gắm một mong ước riêng đối với nước nhà: Thái Bình, hưng thịnh, dân chúng ấm no,……

1.  ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ ĐINH (968 – 980)

Tiền thời nhà Đinh mang nhiều ý nghĩa đặc biệt bởi đây là đồng tiền đầu tiên của người Việt.

Trước đây, nước ta bị lệ thuộc vào Trung Hoa nên các đồng tiền Trung Hoa cùng thời cũng là tiền tệ chi dùng cho cả nước. Khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc loại tiền riêng, mang niên hiệu của mình để tiêu dùng trong dân chúng. Chứng tỏ nước ta giờ đây đã có chủ quyền. Đồng tiền mang tên THÁI BÌNH HƯNG BẢO. Mặc dù rất thô sơ nhưng rất được nhân dân hoan nghênh đón nhận với mong ước nhà nước được bình an, hưng thịnh.

Có nhiều luồng ý kiến cho rằng đồng tiền này tên là ĐẠI BÌNH HƯNG BẢO. Nhưng vì kĩ thuật sản xuất và nét chữ quá thô sơ nên có thể là chữ THÁI bị mất dấu chấm trên đầu nên thành chữ ĐẠI. Hơn nữa, ở thời đó, chữ THÁI hay chữ ĐẠI đều có ý nghĩa như nhau. Nên sau này, căn cứ vào niên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng, các nhà nghiên cứu thống nhất đọc là THÁI BÌNH HƯNG BẢO (hay THÁI BÌNH HƯNG BỬU)

2. ĐỒNG TIỀN NHÀ TIỀN LÊ (980 – 1009)

Khi lên ngôi được 4 năm, đến năm 984 vua Lê Đại Hành cho đúc đồng tiền mang niên hiệu của mình là THIÊN PHÚC TRẤN BẢO ( trước đó vẫn dùng tiền thời nhà Đinh).

Các vua Lê kế tiếp không cho đúc tiền.

Khảo cổ học cho thấy Thiên Phúc Trấn Bảo có ba loạt đều có hình thù giống tiền của nhà Đinh. Một loạt mặt trước có bốn chữ Thiên Phúc Trấn Bảo và mặt sau có chữ Lê (họ của vua), một loạt mặt trước giống như loạt trên nhưng mặt sau lại không có chữ gì, và một loạt nữa mặt sau có chữ Lê nhưng mặt trước lại không có chữ gì. Sở dĩ có sự khác nhau như vậy có thể là vì trong quá trình đúc tiền, xưởng đúc đã ráp nhầm hai mặt của các khuôn đúc.

>> TỪ CHÀNG ĐINH đến HOÀNG ĐẾ ĐINH TIÊN HOÀNG

Phạm Thái Trân tổng hợp.

Quảng cáo
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận