Bình đẳng là tôn trọng sự khác biệt. Có một sự hiểu nhầm tai hại khi nghĩ rằng cuộc đấu tranh bình đẳng giới được kêu gọi suốt bao nhiêu năm qua rút cuộc là để cho phụ nữ được … giống đàn ông. Có lẽ đã đến lúc phải suy nghĩ lại câu chuyện này. Ít nhất là trên hai phương diện: quyền năng của tự nhiên và quyền lực của văn hóa.
Quyền năng của tự nhiên mà đâu đó gọi là thiên chức. Là chức năng tự nhiên hay là do tạo hóa ban cho con người. Là những cái vốn có của con người và được di truyền qua các thế hệ.
Tự nhiên quy định phụ nữ thì khác đàn ông. Dù ngày nay, người ta có thể lựa chọn giới tính cho con cái từ trong trứng nước, cũng có thể lựa chọn giới tính cho mình từ can thiệp của y học là phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhưng, tự nhiên quy định, đàn ông là không giống phụ nữ. Người phụ nữ khi giao hợp với người đàn ông và thụ thai, mang bầu, sinh con. Người đàn ông cũng làm vậy nhưng không thể mang bầu, đẻ con được. Vì sao ư? Chẳng vì sao cả, mà tự nhiên nó quy định vậy. Nếu không phải vậy thì không hình thành giống-giới.
Từ thời hồng hoang, sự phân chia giống đực-cái với mục đích sinh sản, bổ sung lao động và duy trì nòi giống. Nhưng mối quan hệ tính dục hoang dã cũng làm cho nòi giống suy thoái nên dẫn đến hình thành cái gọi là văn hóa. Văn hóa xuất hiện là để hạn chế các mối quan hệ có khả năng làm suy thoái nòi giống cũng như hạn chế các sự xung đột. Nhưng văn hóa hình thành không xa rời bản năng tự nhiên của con người. Và càng không thể xóa nhòa khoảng cách sinh học mà tự nhiên quy định cho con người.
Đương nhiên, bất bình đẳng giới không sinh ra từ tự nhiên. Tự nhiên không ban cho đàn ông hay đàn bà có quyền năng hơn nhau hay đẳng cấp hơn nhau. Trong tự nhiên, đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau và hợp tác với nhau dựa trên sự khác biệt tự của mình.
Chính văn hóa tạo ra sự bất bình đẳng. Xã hội càng phát triển với hàng loạt các học thuyết, lý thuyết, nguyên tắc, khế ước… của những người thích suy diễn; của những người được gọi là bác học; là triết gia, là thông thái, là… học nhiều thì bất bình đẳng càng tăng lên. Nói cách khác, bất bình đẳng như là một sản phẩm của sự diễn giải xã hội của những nhà lý thuyết. Còn con người, với bản năng tự nhiên, họ hợp tác với nhau để sinh sống trong cái gọi là gia đình. Vừa tạo ra kinh tế. Vừa tạo ra nòi giống để bổ sung nguồn lực và kéo dài sự sinh tồn.
Trong sự hợp tác đó, họ tự thỏa thuận những quy định với nhau và sống theo những thỏa thuận đó. Khi vượt qua giới hạn thỏa thuận thì gia đình đó bị phân tách. Phân tách, có lẽ đúng hơn là sự tan vỡ như người ta vẫn nghĩ. Vì phân tách là để tìm đến những đối tác hợp lý hơn và những thỏa thuận phù hợp hơn cái cũ. Trong một gia đình, đàn ông hay phụ nữ đều thực hiện những chức năng riêng. Ở đó khó nói là bình đẳng hay bất bình đẳng, mà là sự chấp nhận từ các cá nhân.
Đàn ông săn bắn thì phụ nữ hái lượm; đàn ông phát triển về thể chất mạnh mẽ thì làm việc nặng nhọc. Còn đàn bà khéo léo thì làm việc cần sự tỉ mỉ. Đàn ông và đàn bà thỉnh thoảng có trao đổi; hỗ trợ công việc cho nhau nhưng điều đó không có nghĩa họ thay thế nhau được trong một gia đình.
Khi thiếu hụt đi một thành tố do tai nạn lao động, bệnh tật thì yếu tố còn lại sẽ bổ sung cái mới vào. Nhằm duy trì kết cấu của một gia đình đó. Phụ nữ sinh con để duy trì nòi giống. Đàn ông bảo vệ người phụ nữ và con của mình. Cả đàn ông và đàn bà đều tham gia lao động theo sự phân chia qua các thỏa thuận ngầm với nhau. Cứ như vậy, ở đó, người ta làm tròn nghĩa vụ của mình và hưởng những quyền lợi theo sự thỏa thuận của mình. Không có bất bình đẳng, chỉ có sự khác nhau giữa đàn ông với đàn bà; qua chức năng riêng dựa vào quyền năng tự nhiên quy định.
Bất bình đẳng giới xuất hiện là một sản phẩm của văn hóa. Và góc độ nào đó như đã nói ở trên là sản phẩm của sự diễn giải xã hội. Các học thuyết xã hội ra đời làm thay đổi các kết cấu xã hội, làm cho đàn ông không ra đàn ông; đàn bà cũng không phải đàn bà. Đó là chức năng xã hội của giới xuất hiện và ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống gia đình.
Tạm bỏ qua các nguồn gốc hình thành chức năng xã hội của giới, mà nhìn lại sự tác động của nó đến cuộc sống gia đình và sự phân biệt giới trong gia đình cũng như xã hội. Xã hội càng mở rộng ra và sự liên kết càng nên rộng lớn khiến gia đình càng thêm nhiều mối quan hệ và ràng buộc lẫn nhau. Con người không chỉ thực hiện các chức năng gia đình mà còn có chức năng xã hội, cái mà người ta gọi là phân công lao động xã hội, mà ở góc độ nào đó thì là sự bành trướng của một bộ phận muốn tạo ảnh hưởng ra ngoài gia đình.
Sự bành trướng đó tạo ra quyền lực và dần xóa nhòa sự thỏa thuận riêng trong gia đình. Quyền lực xã hội xuất hiện thì bất bình đẳng giới cũng xuất hiện và tăng lên. Dấu ấn đó đến nay vẫn còn trong nhiều xã hội khi mà trong một gia đình của người có nhiều quyền lực thường bất bình đẳng giới cao hơn những gia đình bình dân không có quyền lực. Pháp luật xuất hiện để hạn chế bất bình đẳng.
Nói đến pháp luật là nói đến các quyền. Bình đẳng về quyền là thứ được người ta nói đến nhiều nhất trong phòng chống bất bình đẳng giới. Đàn ông hay phụ nữ đều phải bình đẳng nhau về quyền. Đó là điều cần thiết. Từ đấu tranh đòi bình đẳng về các quyền, người ta vẽ ra đủ thứ cho công cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Mà ở đó, nếu đi đến tận cùng thì đàn ông và đàn bà sẽ… giống nhau.
Có cái gì đó không đúng? Bản thân pháp luật không được sinh ra để đảm bảo sự bình đẳng giới vì trong pháp luật không phân chia theo giới. Luật là luật và đàn ông hay đàn bà hay không đàn gì thì cũng phải tuân theo luật. Chỉ khi nào chính pháp luật phân biệt giới thì pháp luật mới cần phải đảm bảo bình đẳng giới.
Vậy, cái gì tạo ra bất bình đẳng giới? Đó là quyền lực. Nhưng làm sao để hạn chế quyền lực? hẳn là câu hỏi khó cho phong trào đấu tranh chống bất bình đẳng giới trong bối cảnh quyền lực vẫn thống trị mọi thứ trong cuộc sống. Mà đâu phải một thứ quyền lực, quá nhiều loại quyền lực: từ quyền lực chính trị; quyền lực kinh tế; quyền lực văn hóa; quyền lực gia đình; quyền lực dòng họ; quyền lực xã hội…
Bất bình đẳng giới là một biểu hiện của phân chia quyền lực. Các xã hội khác nhau thì thiết chế quyền lực cũng khác nhau nên cần xem xét bất bình đẳng giới trong bối cảnh xã hội cụ thể. Quyền lực không chỉ thể hiện bên ngoài mà còn có những quyền lực ngầm. Nếu không nhận thức được những thứ quyền lực ngầm này thì sẽ không hiểu được bất bình đẳng giới. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhận thức về bất bình đẳng giới phải bắt đầu từ trong gia đình.
Người ta vẫn luôn nghĩ là xã hội trọng nam nên người phụ nữ chịu nhiều thua thiệt và đấu tranh đòi bình đẳng là làm cho phụ nữ cũng được… giống như đàn ông. Nhưng điều đó không hẳn chính xác. Người phụ nữ trong gia đình cũng có những quyền lực ngầm riêng mà các nhà văn hóa đã mất nhiều năm, nhiều công sức phân tích.
Những người đàn ông và phụ nữ khi quyết định kết hôn với nhau đều hiểu về nhau, hiểu về cấu trúc gia đình. Tức là hiểu về sự phân chia quyền lực khi hình thành một gia đình. Sở dĩ họ đồng ý kết hôn vì họ chấp nhận những thỏa thuận đó. Gia đình bị phân tách khi mà quyền lực của một trong hai người vượt qua các thỏa thuận. Còn khi quyền lực vẫn hài hòa và các thỏa thuận được thực thi thì gia đình vẫn tồn tại.
Người ta hay nói về quyền lực kinh tế, vị thế xã hội trong gia đình mà quên đi các quyền lực khác. Ví dụ quyền lực về tình dục. Ngoại tình là do sự lạm quyền của một phía chồng hoặc vợ và nó dẫn đến việc làm sai thỏa thuận khi kết hôn của hai vợ chồng. Nên cũng thể làm cho gia đình đó phân tách nếu không lập được thỏa thuận khác. Nói vậy để biết rằng không chỉ người đàn ông mà phụ nữ cũng có quyền lực riêng mang tính tự nhiên hoặc xã hội của họ. Quyền lực trong gia đình là yếu tố quan trọng tạo nên sự bất bình đẳng giới.
Nên đấu tranh bình đẳng giới, có lẽ cần phải tiếp cận năng lực về giới trong gia đình cũng như xã hội. Năng lực của mỗi người được nâng cao sẽ giúp họ tiếp cận cuộc sống tốt hơn, tạo nên sự hài hòa trong cán cân quyền lực gia đình (và cả xã hội), thì lúc đó, có thể trả gia đình về thiết chế mà tự nhiên ban cho với những thỏa thuận của đàn ông, đàn bà tạo nên gia đình đó. Pháp luật hay các quy định không nên phân chia giới để rồi lại mất thêm thời gian và công sức để đi đòi lại bình đẳng giới.
Trần Thị Minh Anh
Theo quan điểm của Ths. Bùi Minh Hào.
Xem thêm:
– Toàn cầu hóa, nước giàu bốc lột nước nghèo nhìn từ lý thuyết phụ thuộc
– Chọn người lãnh đạo giáo dục như thế nào?
– Hoàn hảo và hoàn thiện
– THẾ NÀO LÀ “LỰC HẤP DẪN” KINH TẾ ?
Xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ khiến cho khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực
“ Không có bất bình đẳng, chỉ có sự khác nhau giữa đàn ông với đàn bà; qua chức năng riêng dựa vào quyền năng tự nhiên quy định.”
Bình đẳng giới theo mik chỉ là cách chúng ta tôn trọng và thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của mik và đối phương
Phụ nữ và cả nam giới sẽ không cảm thấy bất bình đẳng khi mà họ được sống vui vẻ, làm được những gì họ mong muốn trong cuộc đời mình mà không cần sự kiểm soát và soi xét theo những định kiến lõi thời của xã hội
Bình đẳng giới phải được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp, cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới
Giờ thấy cực kỳ chán ghét mấy con nhỏ ko bk kiến thức tới đâu mà suốt ngày đòi ba cái nữ quyền bẩn để câu view, để chứng minh đồ lười của mình.