Dòng họ Nguyễn Phúc, Tôn Thất, Công Tôn Nữ,… Không quá xa lạ với người dân Việt Nam. Nhưng lại mang đến một ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ ai nghe đến. Và ẩn sâu trong đó là cả một dấu ấn văn hóa lịch sử triều đại nhà Nguyễn Việt Nam, ra đời từ giữa thế kỷ XVI.
Xuất phát từ đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Theo tương truyền, vợ ông nằm mơ thấy có vị thần cho tờ giấy, trên đó viết đầy chữ PHÚC/PHƯỚC. Nhiều người khuyên bà nên lấy chữ Phúc để đặt tên cho con. Nhưng bà cho rằng, nếu đặt tên thì chỉ một người được hưởng, nếu để làm tên đệm thì nhiều người sẽ cùng hưởng phúc. Vì vậy bà đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên, sau này là Chúa Sãi. Nhánh họ Nguyễn vào Nam làm chúa bắt đầu lấy họ Nguyễn Phúc từ đó.
Sự ra đời của Đế Hệ thi – Phiên Hệ thi
Đến đời Minh Mạng, những người cùng họ với vua được đặt là Tôn Thất. Để phân định bắt buộc vị trí, thứ lớp trong hàng ngũ hoàng tộc. Vua cho soạn hai bài thơ: Đế hệ thi và Phiên hệ thi. Nếu như Đế hệ thi là bài thơ toàn những mỹ tự cho chữ lót tên mỗi thế hệ từ Minh Mạng về sau. Thì Phiên hệ thi được ban cho dòng dõi các Hoàng tử con vua Gia Long, mỗi dòng một bài thơ, dùng đặt tên đệm cho các đời.
Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh Bảo Quý Định Long Trường Hiền Năng Kham Kế Thuật Thế Thụy (Thoại) Quốc Gia Xương - ĐẾ HỆ THI (帝系詩) -
Theo ĐẾ HỆ THI, các con của vua Minh Mạng sẽ mang chữ lót là “Miên” 綿 , chữ đầu tiên của bài thơ. Kế đến đời cháu nội sẽ có chữ lót là “Hồng” 洪, chắt nội là “Ưng” 膺…
Lấy ví dụ, Vua Thiệu Trị húy là NGUYỄN PHÚC MIÊN TÔNG 阮福綿宗; Vua Tự Đức húy là NGUYỄN PHÚC HỒNG NHẬM 阮福洪任; Vua Dục Đức húy là NGUYỄN PHÚC ƯNG CHÂN 阮福膺禛,… Từ đó sử dụng theo thứ tự cho đến chữ cuối cùng (“Xương”昌) thì trở lại từ đầu (“Miên” 綿).
Ngoài việc quy định bằng chữ lót, vua còn ban cho mỗi đời một bộ chữ Hán để đặt tên. Với đời chữ “Miên” 綿, người con sẽ được đặt tên theo bộ “miên” 宀; kế đến, đời chữ “Hồng” 洪 sẽ đặt tên con theo bộ “nhân”亻; đời chữ “Ưng” 膺 sẽ đặt tên con theo bộ “kỳ (thị)” 示.
Tương tự Đế Hệ thi, 10 bài Phiên Hệ thi ứng với 10 người anh em trai Vua Minh Mạng. Trong đó mỗi bài 4 câu, tổng cộng 20 chữ. Tuy vậy, mặc dù chữ lót của mỗi đời dùng một chữ theo thứ tự bài thơ, nhưng tên ở mỗi đời thì phải dùng một bộ trong ngũ hành. Lần lượt là thổ, kim, thủy, mộc, hỏa.
Dòng họ Tôn Thất và Công Nữ
Năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi, Ngài đặt hiệu Tôn Thất họ Nguyễn Phúc cho tất cả các hệ. Riêng các chi phái trước lưu cư ở Thanh-Nghệ trở ra phía Bắc thì mang họ Nguyễn Hựu.
Đến triều Vua Minh Mạng, nhà vua lại chia trong Hoàng Tộc làm 2 hệ Tiền Biên và Chánh Biên. Trong đó, 9 hệ Nguyễn Phước thời kỳ các chúa Nguyễn được gọi 9 hệ Tôn Thất Tiền Biên, con cháu đều mang họ Tôn Thất.
Còn các hệ từ Vua Gia Long trở về sau được gọi là các hệ Tôn Thất Chánh Biên. Các con cháu đều mang họ Tôn Thất kèm theo chữ lót tên như Tôn Thất Chiêm Đông, Tôn Thất Viễn Nam (Phòng Đinh Viễn); hay Tôn Thất Thể Bắc, Tôn Thất Dương Tây (Phòng Từ Sơn). Có lúc dùng cả 4 chữ Tôn Thất Nguyễn Phước: Tôn Thất Nguyễn Phước Miên Đông, Tôn Thất Nguyễn Phước Hường Nam…
Ngoài việc đặt tên kép cho con cháu trai của Hoàng tộc như quy định theo 11 bài thơ trên. Các vua triều Nguyễn cũng quy định luật đặt tên kép cho con cháu gái theo cách riêng.
Đối với nữ, việc đặt chữ lót khác hẳn. Trước tên kép của từng người thì phải thêm các tên lót.
Theo quy định: đối con gái của vua gọi là Công chúa đi đôi với tên kép. Ví dụ như Công chúa An Đông, Công chúa Ngọc Tây… Cháu gái nội của vua lấy chữ lót trước tên kép là Công Nữ. Chắt gái nội của vua thì chữ lót trước tên kép là Công Tôn Nữ. Và cứ tiếp tục, các cháu chắt những đời sau với các chữ lót trước tên kép lần lượt là: Công Tằng Tôn Nữ (thuộc cháu 4 đời), Công Huyền Tôn Nữ (thuộc cháu 5 đời), Lai Huyền Tôn Nữ (thuộc cháu 6 đời).
Nét đẹp văn hóa trong từng cái tên
Vua Minh Mạng biết từ nhiều đời vua trước đây, việc tề gia không tốt nên đã sinh ra tranh chấp quyền hành trong nội bộ hoàng gia. Dẫn đến ngai vàng bị sụp đổ, triều đình nát tan. Vì thế, ông lo lắng rằng nếu không tìm cách tề gia cho nghiêm chỉnh. Cơ nghiệp nhà Nguyễn cũng sẽ dẫn đến kết cục bị thảm tương tự.
Biết rằng anh em mình ai cũng yêu thích thơ văn, vua bèn sáng tác 11 bài thơ “ngũ ngôn, tứ cú” để dễ đọc, dễ nhớ. Trong đó, từng cái tên đều hàm chứa những ý nghĩa xã hội – nhân văn sâu sắc.
Với bài Đế Hệ thi, vua Minh Mạng mong muốn sau mình, vương triều Nguyễn sẽ truyền nối tới 20 đời. Nhưng đáng tiếc cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ “Vĩnh” 永 (Vĩnh Thụy 永瑞 – vua Bảo Đại), tức là dừng lại ở đời thứ 5.
Từ khi không còn triều đình nhà Nguyễn, những hậu duệ hệ Tiền Biên thôi dùng 2 chữ Tôn Thất. Mà lại dùng họ cũ ngày trước là họ Nguyễn Phúc/ Nguyễn Phước ( 阮福 ).
Khác với hệ Tiền Biên, hậu duệ hệ Chánh Biên khi thôi dùng 2 chữ Nguyễn Phúc, lấy chữ lót làm họ, cho nên trong khai sinh, giấy tờ,… Lại xảy ra tình trạng cha con không cùng họ, khiến việc khai báo bị trở ngại. Nhiều cơ quan chính quyền trong nước cũng như ngoài nước không hiễu, không công nhận cha con. Ví dụ: Cha tên Bửu Đông đẻ con trai mang tên Vĩnh Tây, đẻ con gái mang tên Công Huyền Tôn Nữ Phương Nam,…
Về phía nữ, những người mang họ Công Tằng Tôn Nữ hay Công Huyền Tôn Nữ,… lại quá dài, nên thường hay rút ngắn lại là Tôn Nữ.
“Đi kèm với đề cao đạo Hiếu, triều Nguyễn đã giáo dục sâu sắc ý thức tông tộc, ý thức duy trì, củng cố dòng họ của mình. Nội dung kim sách không chỉ phản ánh về nội bộ hoàng tộc nhà Nguyễn, mà còn thể hiện rõ ý thức hệ tư tưởng trong đường lối trị nước của triều Nguyễn.”
Theo Tư liệu Cục Di sản văn hóa
Nguyễn Trần Minh Ngọc tổng hợp
Xem thêm:
> Loạt ảnh hút mắt về Ngã tư Hàng Xanh trước năm 1975
>> Đường Trần Hưng Đạo – Con đường kết nối Sài Gòn – Chợ Lớn
Các quy định luật đặt tên của dòng họ Nguyễn khá phức tạp và đa dạng
Bài viết cung cấp chỉ mik nhiều điều hay về việc đặt tên của triều Nguyễn thời xưa
“Những người mang họ Công Tằng Tôn Nữ hay Công Huyền Tôn Nữ,… lại quá dài, nên thường hay rút ngắn lại là Tôn Nữ” thường nghe mn gọi trong phim xưa
Bài viết hay và bổ ích
Các môi quan hệ khá phức tạp
Giờ mình cứ gặp ai họ Nguyễn Phúc, Tôn Thất, Tôn Nữ là phải hỏi cụ cố nó là vị nào ko