Có rất nhiều cuốn sách bàn về lãnh đạo khác biệt, đầy quyền lực, nhưng lại ít cuốn sách đào sâu khai thác sự khiêm nhường của nhà lãnh đạo. Ai đó sẽ nói rằng nhà lãnh đạo khác biệt không thích trói buộc, họ là những người mang dáng dấp quật cường mạnh mẽ và tính khiêm nhường sẽ trở thành rào cản cho sự tiến bước của họ.
Phải chăng chúng ta đã bỏ sót khía cạnh nào đó của sự khiêm nhường?
Trong các nghiên cứu nổi bật của Jim Collins, Dan Cable hay Jeffrey A.Frames thảo luận về tính cách của nhà lãnh đạo vĩ đại đều đồng quan điểm: Dù ở bất kì quốc gia, tôn giáo hay sắc tộc nào, các nhà lãnh đạo vĩ đại đều có mẫu số chung về sự khiêm tốn, nhường nhịn.
Sự khiêm nhường không phải là rào cản khiến họ kém nổi bật, ngược lại chính nó tạo nên bầu không khí cởi mở và thúc đẩy tinh thần phụng sự. Bản thân họ không phải là “người thiếu nữ thơ ngây bước vào thế giới”, họ có vô vàng công việc phải giải quyết với vai trò dẫn dắt tổ chức, thay vào đó họ chọn cách hoà mình, lùi lại để thấu hiểu nhân viên hướng đến mục đích cao cả hơn.

Với những ai từng tiếp cận qua tác phẩm “Về thiên đường và trái đất”, sẽ biết đến đôi bạn đã chấp bút cho tác phẩm này. Trong đó có Giáo hoàng Francis (Bergoglio), đây là tác phẩm kể về hành trình họ xây dựng cầu nối giữa Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và thế giới chung. Giáo hoàng đã viết nó trong thời kì đương nhiệm, bất chấp tình cảnh rơi vào nguy hiểm.
Ông gan góc thách thức những người bảo thủ cực đoan trong Giáo hội bằng cách mở lòng với người mà Giáo hoàng khác chẳng bao giờ lưu tâm. Ông đã rửa chân cho hai nữ tù nhân, gây tranh cãi lớn với bậc trưởng bối trong Giáo hội vì chưa từng có Giáo hoàng nào lại đi rửa chân cho nữ nhân. Chính ông cũng là người ôm bệnh nhân nhiễm trùng da, chuyện có thể không ai dám làm.

Dựa trên câu chuyện thật về “vị giám mục treo”, vào cuối năm 2013, Giám hoàng Francis đã tạm trục xuất một giám mục người Đức vì tội trơ tráo dùng 31 triệu euro để xây nhà riêng bề thế. Suốt thời gian ấy, ông đã cho tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc này, đến năm 2014, người giám mục kia chính thức lãnh án bị trục xuất vĩnh viễn khỏi giáo phận.
Trước thời điểm diễn ra Mật nghị Hồng y và được chọn làm Giáo hoàng Francis, ông Bergoglio đã sống tại một nhà tập thể đơn sơ trong vùng. Tiệc sinh nhật năm 77 tuổi của ông có phần khác biệt, dù đã là Giáo hoàng nhưng ông muốn mời bốn người vô gia cư đến tham dự tiệc của mình, đơn giản vì ông cảm thấy thoải mái nhất khi ở gần bên họ.
Trên thực tế, nhiều phóng viên theo dõi ông suốt nhiều năm trời cho biết ông là người rất quan tâm đến chính trị – xã hội, một vị có trí tuệ uyên bác nhưng ít được chú ý do lối sống khiêm nhường, ít bon chen của mình.
Rất rõ ràng nhà lãnh đạo như Giáo hoàng Francis không hề thờ ơ mọi việc, một đời ông sống để phản đối thói xa hoa lãng phí và ông sẵn sàng loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch hành động nhằm đáp ứng nhu cầu chung. Sự khiêm nhường của ông gắn với hành động kiên quyết lặng lẽ, ông như “người đầy tớ” cho tham vọng tổ chức, không khoe khoang và luôn lãng tránh sự hâm mộ của công chúng.

Tính khiêm nhường cũng trở thành cảm hứng để tôi đi tìm những mẫu hình của nó, một đại diện tiêu biểu trong nếp làm nếp nghĩ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ không nhận mình là nhà thơ, song rất nhiều tác phẩm thi ca của Bác được ghi nhận, nhất là tập “Nhật ký trong tù”, thi hào Quách Mạt Nhược đã ngợi ca nó sánh ngang với các bài thơ Đường đỉnh cao.
Một lần nọ trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Tổng thống nước này vì ngưỡng mộ mà tặng Bác bằng Tiến sĩ Danh dự trường Đại học Padjajaran. Khi được mời nói chuyện với các giáo sư, tiến sĩ và sinh viên trường, Bác nói rằng: “Tôi không may mắn được học hành đầy đủ như các bạn, tôi chỉ tự học, cuộc sống là người thầy vĩ đại của tôi, thực tiễn đem đến cho tôi những tri thức về xã hội – nhân văn”.

Cũng bóng dáng ấy, trong vai trò người học làm báo, Bác chăm chú nghe ông Jean Longuet giảng (Chủ nhiệm tờ Populaire, thuộc cơ quan Đảng Xã hội Pháp) rồi cẩn trọng làm theo yêu cầu từ ông, tập viết tin dài rồi đến ngắn, sau khi xong Bác mang đi đối chiếu với bản đã đăng để xem sai sót nào cần chỉnh sửa không… nhờ đó mà ngòi bút của Bác có mặt trên nhiều ấn phẩm trong và ngoài nước. Dù đã là nhà báo sắc sảo, nhưng Bác lại cho rằng mình vẫn còn ít kinh nghiệm làm báo, ngay cả khi thành lãnh tụ, đôi khi viết xong một bài, Bác vẫn mang cho anh em bảo vệ, phục vụ đọc qua để xem mọi người có hiểu không, theo đó Bác sửa lại cho tròn vẹn, dễ hiểu.
Năm 1967, tại bữa cơm thân mật, lãnh đạo Ba Lan hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là người nổi tiếng khiêm tốn. Theo đồng chí, khiêm tốn phải như thế nào?”. Bác đáp rằng: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam. Với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi, với bạn bè và đồng chí thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”.
Tính cách khiêm nhường qua dáng dấp Bác Hồ hội tụ sự lắng nghe, thấu đáo, nét khiêm tốn thuyết phục để học hỏi và tiếp thu nhiều hơn.

Các Giám đốc Điều hành Ebay, General Electrics, Morningstar thường đặt bàn làm việc của mình cạnh bàn làm việc của nhân viên khác, do họ quan niệm rằng: “Tôi không phải ở trên bạn, tôi là một trong số các bạn và tôi cũng có thể sai lầm, tức giận hay trải qua những điều tương tự bạn”, vì sao phải có quá nhiều sự phân biệt ở đây. Nếu mục tiêu của nhà điều hành là đảm bảo mọi người hiểu mình là một phần của nhóm, việc chọn một góc làm việc được cùng với các cộng sự chẳng phải là cách thức tuyệt vời để hiện thực hoá điều đó hay sao.
Không chỉ trong môi trường tổ chức nhà lãnh đạo mới bộc lộ sự khiêm nhường, mà còn phải trau dồi trong cuộc sống. Họ là những người tôn trọng sự thật, không thậm xưng cũng không giảm bớt mà đánh giá đúng tính chất sự việc, hiện tượng.
Xem thêm:
Sách self-help – Một loại ma tuý kiểu mới!