Với tâm thức chép sử để làm gương, lịch sử cũng phản ánh tâm lý và xúc cảm của người viết. Vì vậy, ngoại trừ các tác phẩm hoàn toàn chép lại, mỗi bộ sử đều mang dấu ấn cá nhân người viết. Đó là góc nhìn riêng của họ với các sự kiện trong quá khứ. Chính thái độ yêu, ghét cảm tính này khiến lịch sử dễ sai lệch.

Ở đây ta sẽ bàn đến ví dụ về ghi chép gốc bị biến đổi cho phù hợp với tư tưởng của người chép. Sự thực vì thế mà bị giấu đi, muốn tìm ra nó phải đào bới và phân tích. Đó là trường hợp vụ án Thi Sách.

Thi Sách có thật là Thi Sách?

Không chỉ thơ ca nổi tiếng của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái trong Đại Nam quốc sử diễn ca có tóm tắt nguyên nhân bùng nổ khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Mà Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép về mối thù Tô Định giết Thi Sách. Mối thù trở thành cảm hứng văn chương, người người đều hay, nhà nhà đều biết.

Song khi lật lại vụ án, những tô vẽ hạ màn, sự thật đã được bóc trần!

Hậu Hán thư của Phạm Diệp (398 – 445) ở quyển 86: Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện mới nhắc đến Thi Sách rằng:

“Người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh quân. Trưng Trắc là con gái lạc tướng huyện Mê Linh. Gả cho người Chu Diên là Thi Sách, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc. Trắc giận nên làm phản”

Trưng Vương Mỹ Ngọc ksc

Nguyên văn câu nhắc đến Thi Sách là “Giá vu Chu Diên nhân Thi Sách thê thậm hùng dũng”. Nhà nghiên cứu Lê Minh Khải đã chỉ ra điểm bất cập trong ngữ pháp của câu này. Theo ông, câu chép của Phạm Diệp khá rối. Khi chuyển cụm “Thi Sách thê” sang “thậm hùng dũng” cũng chẳng tự nhiên.

Lịch Đạo Nguyên (466 – 527) viết Thủy Kinh chú sớ có cách viết hợp lý hơn. Đạo Nguyên viết “Sau con trai Lạc tướng Chu Diên tên Thi cưới con gái Lạc tướng Mê Linh tên Trắc làm vợ. Trắc là người can đảm, khỏe mạnh cùng Thi nổi dậy đánh châu quận”. (Hậu Chu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trắc vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng, tương Thi khởi tặc công phá châu quận).

Như vậy, theo Đạo Nguyên chồng Trưng Trắc tên Thi, còn chữ “sách” nghĩa là cưới. Triệu Nhất Thanh (1711 – 1761) khi làm Thủy Kinh chú thích cũng cho rằng “sách thê cũng như nói “thú phụ” [lấy vợ]. Nam Man, Tây Nam Di truyện trong sử của họ phạm viết: giá vu Chu Diên nhân Thi Sách thê, là rất xằng bậy vậy”. Nói cách khác, chồng của Trưng Trắc không phải tên Thi Sách, mà là tên Thi.

Phần chính văn và bổ sung (chữ nhỏ) về lai lịch của Thi [Sách] trong Đại Việt sử ký toàn thư
Phần chính văn và bổ sung (chữ nhỏ) về lai lịch của Thi [Sách] trong Đại Việt sử ký toàn thư

Số phận của Thi [Sách]

Thực tế cả Hậu Hán thư (của Phạm Diệp) và Thủy Kinh chú sớ (của Lịch Đạo Nguyên) có ảnh hưởng sâu sắc đến ghi chép của các sử gia Việt.

Chúng ta có 3 truyền thống để hiểu về số phận của Thi [Sách]:

Đầu tiên, theo phái Phạm Diệp thì Thi [Sách] được mô tả là “Chu Diên” nhân. Tức người bình thường ở huyện Chu Diên, chứ không phải con trai Lạc tướng. Chi tiết con trai này đã được du nhập vào Đại Việt Sử ký vào độ sau Ngô Sĩ Liên. Người chú thích phần chính văn cho hay “Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau”. Đặng Minh Khiêm dẫn lời thơ vịnh Trưng Vương cũng nhắc chi tiết con trai Lạc tướng. Chứng tỏ chú thích diễn ra trước năm 1520.

Thứ hai, Lịch Đạo Nguyên lại nói rằng y còn sống và cùng Trưng Trắc khởi nghĩa. Thủy Kinh chú sớ ghi: “Sau Hán sai Phục Ba tướng quân là Mã Viện đem quân sang đánh, Trắc và Thi chạy vào Kim Khê Cứu, đánh ba năm mới thắng. Lúc ấy, Tây Thục cũng đem quân, cùng đánh bọn Trắc, bình định được tất cả quận huyện, đặt chức lệnh trưởng”. Đây cũng là điều các sử gia Việt chính thống không chấp nhận.

Thứ ba, khoảng năm 1329, Lý Tế Xương viết Việt điện u linh cho rằng Thi [Sách] đã bị Thứ sử Tô Định “giết chết”. Đây là quan điểm phản ánh suy nghĩ của người Việt và được ủng hộ.

Câu hỏi đặt ra, vì sao người Việt lại nghĩ rằng Thi [Sách] chết? Cùng đón đọc vụ án này tại Thi [Sách] có lẽ là “phụ nam” trong chế độ mẫu hệ

Mỹ Ngọc tổng hợp theo nghiên cứu của tác giả Trần Hoàng Vũ – sách Mật Bổn

Quảng cáo
4.3 3 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận