QUỐC TỰ; là bộ tranh vẽ 29 chữ cái tiếng Việt bằng lối Minh họa với chủ đề Văn hóa Việt Nam. Các câu chuyện trong từng bức tranh được khắc họa từ cảm nhận của các họa sĩ với niềm mến mộ Văn hóa, con người Việt trong những thời kì khác nhau của Lịch Sử
/ QUỐC TỰ / thừa kế tinh thần từ dự án / UNLIMITED LETTERS / năm 2013 do anh Đoàn Phú Trọng và anh Liar Ben đồng tổ chức.
1. Quốc tự đầu tiên: Chữ “A”
Kỹ thuật của người An Nam là một công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An Nam đầu thế kỉ XX về trước được thực hiện bởi một người Pháp tên Henri Oger và nghệ nhân người Việt Nam thực hiện năm 1908 – 1909
Quyển sách ghi lại các kĩ thuật, nghề nghiệp của người An Nam với 4200 bức vẽ. Chữ “A” được tác giả họa nên theo phong cách của sách.
2. Quốc tự “Ă”
“Miếng trầu là đầu câu chuyện” giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui khi khách đến chơi nhà được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ tết miếng trầu mời người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri ân, tri kỷ.
“Tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Hôm nay, tục ăn trầu đang ngày càng mai một theo chuyển biến của thời gian, bằng cách thể hiện dưới đường nét đen trắng sử dụng đường nét hình học, gợi cảm giác kim loại, mình hi vọng sẽ mang đến tinh thần “di sản” cho con chữ. Nếu chúng ta không gìn giữ nét văn hóa này. Một thời gian không xa. Tục ăn trầu sẽ chỉ còn tồn tại trong kí ức của những người lớn tuổi, nơi tranh vẽ hay những trang sách vở mà thôi.” – Hoàng SYM –
3. Quốc tự “”
“Gặp nhau, yêu nhau, giao hoan và sinh nở. Tình yêu của Âu Cơ và Lạc Long Quân lại như một bức vẽ dở dang. Sau tất cả, không có một cái kết nào cho câu chuyện tình yêu. Mình muốn truyền tải về truyền thuyết Quốc Mẫu Âu Cơ từ góc nhìn gần gũi, để dung nạp và thấu hiểu bằng cách nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ – người mẹ. Giai đoạn giao hoan và giai đoạn sinh nở là hai chi tiết ẩn ý. Tổng thể bức tranh là sự chia cắt nhưng đối xứng. Dù phải đối diện với sự chia ly nhưng tương đồng về mặt tình cảm lẫn giá trị hàn gắn và dẫn đường.” – Lan Anh Ng –
Có thể tóm lại về mối tình thuở ấy, đó là “hơn cả yêu”. Truyền thuyết về Âu Cơ và Lạc Long Quân không chỉ gắn liền với quan niệm con rồng cháu tiên của người Việt mà hơn như thế, sự gắn kết giữa nhân vật như xa mà lại gần, họ đến từ hai gia tộc khác nhau, yêu nhau, xa nhau về khoảng cách muôn trùng, nhưng sự tin tưởng, ý chí về hoài bảo của nhau không bao giờ lay động. Dẫu có gặp lại dù bao nhiêu năm, trăm năm, ngàn năm hay hơn thế, thì họ vẫn vẹn nguyên sự tin tưởng về nhau.
4. Quốc Tự “B”
“FLAPPY BIRD là sản phẩm game trên điện thoại của anh Nguyễn Hà Đông(Hà Nội). Game được phát hành đầu tiên vào tháng 5 năm 2013. Năm 2014 tác giả quyết định khai tử game khiến cả cộng đồng sôi sục. Sự thành công của FLAPPY BIRD truyền cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có mình. Đến với dự án lần này, mình hy vọng chúng ta hãy cổ vũ, ủng hộ những sản phẩm văn hóa được sáng tạo ra bởi tâm huyết của những người Việt Nam” – Tân Nguyễn –
FLAPPY BIRD mang lại sự thu hút từ sự khó chơi, tạo cảm giác chinh phục trên từng mốc điểm. Trò chơi này từng đứng vị trí số 1 về lượt tải về trên AppStore và trên CHplay. Đây hoàn toàn là một sản phẩm từ người Việt, cách mà nó phát triển và được tạo ra, cùng cơn sốt giai đoạn đầu năm 2014 trên cả những châu lục lớn về trò chơi này. Đã khẳng định và chứng minh được nhiều điều.
5. Quốc Tự “C”
Cờ người là trò chơi dân gian trong đó mỗi quân cờ được thay bằng một người nam hoặc người nữ. Cờ người có thể là cờ tướng, cờ vua,… Nhưng phổ biến nhất là cờ tướng
Bộ môn cờ người này lấy cốt là việc quân cờ thay bằng người, từ đó tạo ra “nâng cấp” cách tận hưởng một ván cờ. Trước khi vào vị trí trên sân, cả đội cờ múa theo tiếng trống, đàn, phách. Khí trận hùng dũng theo đó mà tăng lên như chuẩn bị một trận chiến trên chiến trường thật sự.
Sau khi đã vào vị trí, một hồi trống dài nổi lên, hai đấu thủ cờ mặc áo dài, khăn xếp xuất hiện để giới thiệu danh tính; mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc nhỏ để chỉ huy trận đánh.
Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng 1 bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Các bài diễn này được chuẩn bị rất chỉnh chu và phải thỏa mãn được nhiều yếu tố, mang được các văn hóa võ thuật Việt, tinh thần dũng mãnh nhưng đường thế lại thu hút ánh mắt người xem.
Các “quân cờ” phải trải qua sự tập luyện lâu dài và gian khổ vì các đòn thế biểu diễn không phải dễ dàng.
Lê Thành Thắng tổng hợp
Xem thêm: Cách nhiếp ảnh gia kể chuyện
Mỗi chữ cái đều mang đến cái hồn và vẽ đẹp thuần việt của người xưa và nay
Với hệ thống thành ngữ, ca dao, tục ngữ , kết tinh từ trí tuệ và bản lĩnh hết sức phong phú của các thế hệ cha ông từ bao đời đã làm cho Tiếng Việt ngày càng trở nên sâu sắc và tinh túy hơn
Chữ cái luôn là những kiệt tác của sáng tạo, tinh hoa dân tộc và nét đẹp văn hóa
Ở mỗi con chữ luôn chứa đựng những câu chuyện ý nghía bài bài học nhân văn
Dù trải qua thời gian dài nhưng văn hóa Việt vẫn tồn tại và luôn khắc sâu trong lòng con đất Việt