Chiếu theo định nghĩa self-help là hình thức phát triển bản thân từ hướng dẫn bên ngoài, thì nó liên quan đến giáo dục, thậm chí cũng lâu đời như hoạt động giáo dục. Có thể thấy các tác phẩm self-help sớm sủa nhất là kinh thư răn dạy người đọc ở các tôn giáo, đạo giáo. Hay các tác phẩm tự răn mình từ thời của các triết gia Khắc Kỉ hoặc huấn thi Hesiod Hi Lạp cổ đại.

Ngược dòng về các quốc gia Anh, Mỹ độ hơn 150 năm trước đây đã xuất hiện quyển có tựa đề Self-help (Tinh thần tự lực) đầu tiên do ông Samuel Smile soạn thảo. Với ông, nỗ lực cá nhân là nền tảng vững chắc gắn với lý tưởng cống hiến xã hội. Tu thân, sửa mình là những mắc xích quan trọng trong tinh thần tự chủ, định hình phẩm giá, tính cách để trở nên vĩ đại. Dù xuất thân trong bất kì hoàn cảnh nào, quyết tâm “thực học” sẽ xoá bỏ rào cản khác biệt đó.

Tại Việt Nam, các tác phẩm self-help đầu tiên có lẽ là tập Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi, nếu chưa bàn kể đến kho tàng ca dao tục ngữ đồ sộ của dân tộc mình.

Tuy nhiên, ngày nay ta lại không xem kinh thánh, giáo lý, thơ ca, tục ngữ của người xưa là self-help. Bên cạnh đó, cũng chẳng mảy may thấy sự khác biệt lớn nào giữa chúng và sách self-help mà ta đã biết. Duy có một điểm khác biệt rõ ràng nhất, sách self-help khôn khéo để ra mệnh lệnh và giáo điều người khác mà không hề công khai.

Sách self-help bây giờ luôn cố gắng khoác lên mình chiếc áo khách quan qua việc bắt chước phương pháp khoa học: Dẫn số liệu thống kê, nghiên cứu, lí lẽ và lập luận,… Rất nhiều trong số đó lại không đáp ứng đủ yêu cầu của khoa học.

Cùng đến với minh hoạ đầu tiên trong What They Don’t Teach You In The Harvard Business School của Mark McCormack. Vị tác giả này đưa dẫn chứng về cuộc nghiên cứu ở Harvard năm 1979 với nội dung rằng chỉ 3% sinh viên tốt nghiệp có thể nêu rõ mục tiêu và kế hoạch của bản thân ra giấy. Sau 10 năm, ông gặp lại nhóm sinh viên đó, ông nhận ra họ sở hữu tài sản bằng tổng tài sản của 97% sinh viên còn lại. Thật may vì thông tin trên đã bị vạch trần, chẳng có cuộc nghiên cứu nào như vậy cả.

Hoặc món hàng từng best seller trên kệ sách của nhiều cửa hiệu – Bí Mật Của Nước. Tác giả Emoto Masaru tuyên bố rằng đã tổ chức thí nghiệm cho biết lời nói và suy nghĩ của con người sẽ tác động đến tinh thể băng. Giới khoa học bấy giờ lên tiếng chỉ trích gây gắt vì thiếu sự kiểm soát thí nghiệm, khiến Masaru dừng lặp lại thí nghiệm để chứng minh. Thế nhưng, quyển sách ấy vẫn được phát hành đến ngày nay.

Tiếp theo là tác phẩm Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, nhằm tăng tính thuyết phục, ông chọn cách dẫn chứng sự thật, nhưng điều ông nói ông làm là kể chuyện suông “Tôi có quen một người bạn…”. Chiếu theo tiêu chuẩn khoa học, đây là bằng chứng giai thoại (anecdotal evidence) và không được xem là bằng chứng có giá trị. Thậm chí vì tính chất nguy hiểm của chúng khi bị lạm dụng, giới khoa học xem chúng là dạng nguỵ luận không chính thức (informal fallacy).

Hiện hữu trong Đắc Nhân Tâm là các trích dẫn quan điểm của tác giả khác để củng cố quan điểm bản thân, trong số đó có trích dẫn từ tác phẩm hư cấu. Cụ thể là Hamlet của Shakespeare.

Ta phải nhắc đến đặc trưng của nền văn hoá nghe nhìn, bởi lẽ trong nền văn hoá này thông tin truyền đi mà không cần bối cảnh. Điều này có tác động sâu sắc đến cách mà self-help vận hành. Nếu thầy giáo phải hiểu thân thế, bối cảnh sinh trưởng và tiềm năng của học trò, có thể ít hoặc nhiều mới đưa ra lời khuyên thích hợp, thì nay các tác giả self-help không cần đến điều đó. Họ áp dụng công thức “Một cỡ cho tất cả”.

Họ không thể biết đối tượng người đọc là người thế nào, họ mặc định các đối tượng là gần giống và dùng cùng một phương pháp cho đúng người là được. Từ đó xoá đi tính cá nhân, khác biệt hoá mà đánh đồng tất cả. Phải chăng là đang gián tiếp tước đoạt tính độc lập và tự chủ của mỗi người?

Điển hình như Đắc Nhân Tâm tinh ranh đến mức rào trước rằng quyển sách chỉ hiệu quả khi thực hành, từ đó yêu cầu người đọc thực hành lời khuyên không cần bối cảnh. Chúng ta phải công nhận tác giả là bậc thầy thao túng tâm lý, self-help tạo ra chi phí chìm khiến người đọc tiếc rẻ về công sức và thời gian đầu tư vào sách. Ngay cả khi không có bất kì tác dụng gì, họ cũng khó phung phí khoản đầu tư của mình.

Từ đó, bó hẹp các luồng tư duy trong khi self-help hiện tại chỉ giúp định hình hơn là định hướng con đường cần thiết nhất.

Self-help nguyễn thị mỹ ngọc nguyễn thị ái như ksc

Cũng do thiếu bối cảnh, self-help lúc này không thể đỗ lỗi cho ngoại cảnh nên quy chụp mọi sự bất thành là do bản thân người đọc. Chúng ta cần tách bạch với tư tưởng tốt đẹp “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vì self-help không hề có “nhân” mà do thiếu bối cảnh nên tác giả không thể biết người đọc trải qua điều gì.

Vô hình trung self-help gửi đến ánh nhìn cay nghiệt với người thất bại, kém may mắn hay ngoại cảnh chiếm phần lớn trong thành công/thất bại của họ.

Trong The Secret của Rhonda Byrne nói về Luật Hấp Dẫn, sách nói rất nhiều câu chuyện nhưng cách giải quyết cuối cùng là Nghĩ. Bà cho rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ xảy đến với ta khi suy nghĩ tốt đẹp và ngược lại. Tôi không phủ nhận những suy nghĩ tích cực trước vấn đề nào đó là cần thiết, và nó cũng không thể hiện rằng ai đó có luồng tư duy tiến bộ hay phát triển.

Trở lại với The Secret, nhất là chương The Secret And Your Body, bà còn cho rằng người béo càng béo vì họ nghĩ về sự béo và bà phủ nhận ngoại cảnh khi cơ địa hay chế độ ăn uống là một cách nguỵ trang cho suy nghĩ về sự béo.

Kiểu tư duy này rất giống tư duy đổ lỗi cho người đọc, căn bản là dựa vào nền tảng nơi một thế giới công bằng và mọi người hoàn toàn làm chủ vận mệnh và yếu tố ngoại cảnh được thiết kế như nhau. Thật tốt đẹp, nhưng cũng thật nguy hiểm nếu sống trong bất công mà cứ nghĩ đã công bằng. Khi sự nhận biết và ý thức cách biệt nhau khá lớn thì đâu mới là lời giải đáp cho giá trị thực mà sách self-help mang lại.

Tiếp theo, self-help cũng có điểm tương đồng với giáo dục phổ cập. Khi chúng cùng đóng khung con người vào giá trị nào đó. Nếu giáo dục phổ cập tạo khuôn mẫu cho học sinh về con đường học giả thì self-help tuỳ chủ đề từng cuốn sẽ có cách đóng khung vào giá trị tương ứng. Một số quyển self-help dạy làm giàu thì gieo vào đầu óc của con người kiếm tiền là mục đích của đời người. Một số dạy tán tỉnh thì hướng đến sự nam tính nữ tính do tác giả áp đặt lên. Self-help về tư duy tích cực lại cho thấy suy nghĩ sẽ thay đổi mọi thứ, bất chấp hoàn cảnh thực tế.

Tư tưởng này sẽ phá vỡ độ hài hoà trong xã hội. Thay vì mỗi người sở hữu những chuyên môn, ưu-khuyết điểm nhất định (tiền tài, niềm vui, áp lực,… đều là một phần trong ưu-khuyết điểm) thì nay self-help hướng mọi người theo cùng một con đường để cạnh tranh nhau. Vô tình cản trở sự phát triển và hình thành thói quen phán xét vấn đề theo khuôn khổ nhất định, quên đi môi trường gồm nhiều yếu tố tương hỗ.

Xã hội tinh tinh cho chúng ta thấy điều gì? Con tinh tinh đực có thể thành đầu đàn bằng nhiều cách. Với con to khoẻ sẽ dùng bạo lực trấn áp, con thấp bé hơn dùng cách phục vụ, lấy lòng con khác. Hoặc có những loài đa thê, con đực chọn cách quan hệ lén lút với dàn hậu cung của con đực khác. Dù bằng chiến lược nào, chúng đều có cơ hội lên ngôi dù điều kiện thể chất khác biệt. Sự đa dạng hoá này không chỉ xã hội loài người mới có, nên khi đề cao chiến lược nào đó, không phải tất cả sẽ theo hướng đó, sẽ luôn có nhóm khác tìm đường khai thác chiến lược khác.

Cuối cùng, self-help còn trở thành công cụ của các nhà cầm quyền. Vào những năm 1930, Đắc Nhân Tâm rất thành công khi cuộc đại suy thoái nước Mỹ diễn ra. Các ông trùm tư bản bấy giờ cần những người xoa dịu tâm lý công chúng.

Tại chương 13, tác giả dẫn chứng chuyện đình công đòi tăng lương của thợ mỏ Colorado làm việc cho công ty Rockefeller. Sau bài diễn văn chân thành của Rockefeller họ đã bình tâm lại, quay về với quỹ đạo công việc mà không hề nhắc đến chuyện tăng lương. Thủ thuật xoa dịu dư luận của ông trùm tư bản, xoa dịu chứ không phân tích động cơ nào khiến họ đình công và mức lương tương xứng có thật hay không.

Những vấn đề tương tự cũng được Barbara Ehrenreich viết trong Bright-sided (2009).

Self-help dần trở thành thứ hàng hoá làm tăng cầu, càng đọc càng cần nhiều hơn nữa. Cảm giác thiếu thốn, gây nghiện như ma tuý. Nhìn nhận ở một chiều hướng khác thứ ma tuý này làm đau đầu rất nhiều triết gia và nhà tư tưởng từ cổ chí kim như tôi nói ban đầu. Một thứ như thế không thể được giải quyết bằng một vài bài viết, một con người trong một sớm một chiều, càng không thể bằng “One size fits all” từ một người thầy còn chẳng màng đến đối tượng người học.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc

Hình ảnh: Nguyễn Thị Ái Như

Xem thêm:

Bạn có dám tranh biện với “Tư duy hậu Socrates”?

PR – Từ chưa biết đến chuyên gia

Quảng cáo
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận