Chúng ta đang nói nhiều đến sở hữu trí tuệ và đó là một điều cần thiết. Nhưng tri thức dân gian và sở hữu trí tuệ, liệu có quá cách xa nhau hay không? Bởi sở hữu trí tuệ là để công nhận, bảo vệ quyền sở hữu của tác giả. Còn tri thức dân gian, vốn là sản phẩm tập thể; của cộng đồng nên không có một tác giả nhất định. Ấy vậy, thông qua những phân tích thực tế, đây lại là vấn đề gây đau đầu cho toàn xã hội.

Khi nhân loại phát triển vào thời đại văn minh trí tuệ, vào nền kinh tế tri thức; cuộc đụng độ lợi ích này lại càng gay gắt hơn. Bởi nó liên quan đến việc ai sẽ kiểm soát các dòng tri thức và sự phân chia lợi ích thế nào. Khi những người kiểm soát dòng tri thức lại không phải là chủ thể của các dòng tri thức đó?

Quá trình thương mại hóa văn hóa một mặt làm thay đổi, mất mát các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng, các tộc người. Mặt khác, nó cũng làm cho nền văn hóa truyền thống của các cộng đồng trở nên năng động hơn; tham gia vào sự phát triển và tạo ra cơ hội nhiều hơn để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng phần lớn các nền văn hóa trong giai đoạn đầu tham gia nhiều vào thị trường thường bị thụ động. Phải đến một mức độ nhất định, người ta mới chủ động phát triển kinh tế thị trường theo các giá trị văn hóa của mình; tạo thành quá trình văn hóa hóa thị trường ở các cộng đồng. Hai quá trình này thường đi song song với nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Kinh tế thị trường càng phát triển thì quá trình thương mại hóa văn hóa càng mạnh mẽ. Và ngược lại, càng tham gia nhiều vào thị trường thì quá trình văn hóa hóa thị trường cũng sâu sắc hơn. Đó là một quá trình kép ở các cộng đồng.

Trong quá trình thương mại hóa văn hóa; thương mại hóa tri thức dân gian thể hiện rõ nét hơn cả. Tri thức dân gian là một khái niệm quan trọng trong các nghiên cứu về văn hóa tộc người trên thế giới; cũng như ở Việt Nam. Tuy vậy, đây cũng là một khái niệm được diễn ngôn với nhiều thuật ngữ khác nhau. Như tri thức địa phương, tri thức bản địa, tri thức cộng động….

Nói một cách dễ hiểu, tri thức dân gian được hiểu là hệ thống các tri thức; kinh nghiệm được hình thành trong quá trình hình thành, phát triển của một cộng đồng; và được cộng đồng công nhận. Đây là một nguồn vốn, nguồn lực chung của cộng đồng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực này lại được thể hiện khác nhau; thông qua các cá nhân khác nhau trong các cộng đồng đó.

Thương mại hóa tri thức dân gian là quá trình sử dụng các tri thức dân gian để tạo ra các sản phẩm hàng hóa; các dịch vụ phục vụ thị trường; thông qua đó tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích kinh tế. Trong xã hội hiện đại, quá trình thương mại hóa chúng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chủ yếu trên các lĩnh vực về y dược học, về thủ công nghiệp truyền thống…

Quá trình thương mại hóa tri thức dân gian đã góp phần vào việc phát triển kinh tế; xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các cộng đồng lên cao hơn. Nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là sự xung đột lợi ích giữa các cộng đồng; sự xung đột về văn hóa; sự mai một, mất mát các giá trị văn hóa truyền thống; hay cấp bản quyền sở hữu trí tuệ.

Những năm đầu thế kỷ XXI; nhiều công trình nghiên cứu về những bất cập trong mối quan hệ giữa các công ty được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm liên quan đến tri thức dân gian và các cộng đồng chủ thể về việc sản xuất; buôn bán hay chia sẻ lợi ích; bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống… Nhận định này cho thấy; có rất nhiều vấn đề liên quan đến những cuộc đụng độ giữa sở hữu trí tuệ về tri thức dân gian; các sản phẩm từ tri thức dân gian giữa những tổ chức sản xuất; kinh doanh các sản phẩm này với cộng đồng chủ thể của hệ thống tri thức dân gian đó.

Có một cuộc tranh luận nhỏ về quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tri thức đã sử dụng phép ẩn dụ về Tera Nullis (cách nói của người La Mã, ý là “đất đai không thuộc về ai”) để phê phán sự cam kết của các nhà nhân học với phát triển. Một mặt, vấn đề nổi lên từ việc nhận thức rõ rằng người dân địa phương có thể biết về các nguồn lực tự nhiên có tiềm năng thương mại (Chadwick và Marsh, 1994) làm tăng lo sợ rằng tri thức của họ có thể bị chiếm đoạt một cách bất công vì mục đích thương mại, thậm chí còn được các công ty nước ngoài cấp bằng sáng chế sau khi đã có can thiệp của công nghiệp (ví dụ như biến đổi gen) mà không thông báo hay chia sẻ lợi nhuận cho người sở hữu ban đầu một cách bình đẳng (Brush và Stabinsky, 1996).

Mặt khác, nó liên quan đến ước vọng ngày càng tăng của người dân địa phương muốn kiểm soát tài sản văn hóa và số phận của họ trong thế giới hiện đại vốn gắn chặt vào các mối quan tâm bảo vệ bản sắc văn hóa và mở rộng từ những yêu cầu trả lại các chế tác từ những bảo tàng để yêu cầu có tiếng nói của nhiều bộ phận khác nhau trong hoạch định chính sách, bao gồm cả các cơ quan phát triển, làm ảnh hưởng đến khu vực và cuộc sống của họ

Cảnh mua bán tấp nập của người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Schuler cũng phân tích nhiều trường hợp khác liên quan đến việc cấp bản quyền sở hữu trí tuệ để thương mại hóa tri thức của một số cộng đồng. Như trường hợp Ủy ban nghiên cứu khoa học và công nghệ ở New Delhi. Họ đã kiện việc cấp bản quyền bài thuốc Ayurvedic cho hai nhà khoa học thuộc Đại học Mississippi; vì nó giống với tri thức địa phương của nhiều cộng đồng ở Ấn Độ về chiết xuất thuốc từ củ nghệ. Hay vụ tranh chấp bản quyền giống gạo Basmati của một số nông dân Ấn Độ với một công ty kinh doanh gạo của Mỹ. Hay về loại đậu vàng “Mayacoba” của nông dân Mexico với một công ty nông nghiệp Colorado…

Hầu hết những cuộc tranh chấp này đều đi đến những kết quả khác nhau. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu đều có mục tiêu chung. Đó là mong muốn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các cộng động đang sở hữu những tri thức. Mà nhiều công ty đã và đang tiến hành thương mại hóa các sản phẩm từ những tri thức đó. Vì sau cùng, chẳng thể rạch ròi được mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống, cũng như giữa cái chung và cái riêng. Tuy nhiên, những tư tưởng cố gắng mang lại nhiều lợi ích cho những cộng đồng nghèo hơn, yếu thế hơn đang được nhiều nhà phát triển quan tâm. Đó là một xu hướng được coi là nhân văn khi mà khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng giãn ra nhanh chóng.

Ở Việt Nam, quá trình thương mại hóa văn hóa nói chung và thương mại hóa tri thức dân gian nói riêng đang ngày càng mạnh mẽ. Ở các dân tộc, các vùng miền khác nhau, quá trình này cũng thể hiện khác nhau tùy theo sự phát triển của kinh tế thị trường; cũng như trình độ phát triển của các tộc người. Có những cộng đồng, các sản phẩm từ tri thức dân gian đã trở thành hàng hóa có thương hiệu; được buôn bán ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Có những cộng đồng thì mới bắt đầu làm quen với quá trình thương mại hóa các tri thức dân gian.

Mỗi địa phương, mỗi tộc người, mỗi cộng đồng đều có những đặc trưng riêng trong quá trình thương mại hóa các tri thức dân gian cũng như thương mại hóa văn hóa. Việc tổ chức như vậy thu hút được nhiều người dân địa phương tham gia. Nhất là trong giai đoạn đầu của các dự án còn gắn với các nguồn vốn hỗ trợ. Nó cũng làm cho người dân có những trải nghiệm thị trường nhân định; làm nâng cao năng lực văn hóa của người dân và cấp cán bộ quản lý.

Cảnh chợ đêm của người dân Tây Bắc

Tuy nhiên, càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều hạn chế, nhất là trong việc tiếp cận thị trường của người dân. Làm cho hiệu quả kinh tế cũng không cao mà thất thoát về nguyên liệu thì lớn hơn. Cách tiếp cận này, như Paul Sillitoe nhận xét. “Cách tiếp cận thị trường tự do. Mặc dù cách tiếp cận này đã chú ý nhiều hơn đến tri thức địa phương. Song chủ yếu là các thông tin thị trường liên quan đến sự lựa chọn kỹ thuật; làm thế nào để gây ảnh hưởng đến đến sự lựa chọn và tính phù hợp của nhiều sự lựa chọn đối với môi trường và hộ gia đình nông dân”.

Cái nhìn này vốn ngược lại với cái nhìn hiện đại hóa trước đó khi đã coi nhẹ; bác bỏ tri thức dân gian và coi tri thức dân gian là phi khoa học; lạc hậu; nguyên thủy và khó phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường tự do như vậy cũng dẫn đến những xung đột về quyền lợi, lợi ích trong việc sở hữu trí tuệ với các sản phẩm từ tri thức dân gian. Và cao hơn nữa, đó là những sự xung đột văn hóa giữa các cộng đồng với nhau.

Trong quá trình thương mại hóa tri thức dân gian. Thương mại hóa văn hóa truyền thống sẽ không tránh khỏi những xung động văn hóa. Những người kinh doanh các sản phẩm văn hóa thường là những người ngoài cộng đồng chủ thể. Vì vậy sẽ đẩy cả người kinh doanh, người thụ hưởng và cộng đồng chủ thể đi đến xung đột.

Nhà nghiên cứu Daniel Wiiger (2004) đã đưa ra một dẫn chứng cho trường hợp này. Một phóng viên đã đến vùng Tây Nam Hoa Kỳ chụp những bức ảnh về một vũ điệu có tính chất nghi lễ của người Pueblo và công bố rộng rãi. Những người trong bộ lạc đã kiện phóng viên này. Vì họ cho rằng đây là sự xâm phạm vào quyền riêng tư trong nghi lễ văn hóa của họ. Và kết quả là phóng viên phải dừng ngay việc sử dụng những tấm ảnh này.

Hay câu chuyện về một nhiếp ảnh gia khoe với bạn bè rằng anh ta vừa đi lên miền núi; chụp được một số bức ảnh về cảnh tắm suối của người phụ nữ Thái. Anh cho rằng các chỉ số, góc nhìn của bức ảnh đẹp hơn tất cả những bức ảnh tắm suối mà anh đã xem. Và đang ý định đi đăng ký bản quyền cũng như gửi một số báo chí hay dự thi ảnh. Nếu những bức ảnh này được cấp bản quyền và được công bố; thì những người Thái ở cộng đồng mà anh ta đến chắc hẳn sẽ khó chịu. Vì đây là sinh hoạt tế nhị của họ.

Tương tự như vậy; một bài múa của người Thái ở miền núi có thể được một vũ đoàn ở thành phố biểu diễn với một trang phục gợi cảm hơn để thu hút khách thì đối với những người chủ thể của nó sẽ khó mà chấp nhận được.

Tuy nhiên, những người cấp bản quyền cho tác phẩm; hay những người duyệt các chương trình nghệ thuật có mấy khi quan tâm đến suy nghĩ đến tâm lý của những người đó hay không? Và bản thân những người là tác giả của những sản phẩm này; ngoài việc nghĩ đến lợi ích của bản thân mình; họ có thật sự hiểu và tôn trọng những người liên quan đến tác phẩm đó?

Hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất; kinh doanh các sản phẩm từ tri thức dân gian của nhiều cộng đồng khác nhau. Phổ biến nhất là các sản phẩm từ tri thức dân gian về y dược học cổ truyền; thủ công nghiệp truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Các doanh nghiệp này hoặc đầu tư kỹ năng; hoặc đầu tư vốn tài chính; hoặc đầu tư công nghệ; kỹ nghệ vào sản xuất các sản phẩm hàng hóa dựa trên nền tảng tri thức dân gian của các cộng đồng nhất định. Một số sản phẩm được đi đăng ký bản quyền; đăng ký nhãn hiệu; một số thì chưa. Nhưng những thông tin như vậy không phải lúc nào cộng đồng chủ thể cũng nắm được.

Về mặt tích cực, những hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng góp phần làm cho bức tranh kinh tế của miền núi rực rỡ hơn. Góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân qua việc tạo công ăn việc làm. Cùng với đó, người dân cũng tham gia vào một số công đoạn như đi lấy nguyên liệu; trồng và thu gom nguyên liệu để bán lại cho các doanh nghiệp. Nhiều người còn sản xuất ra các sản phẩm theo phương thức truyền thống để bán cho khách hàng với giá cao hơn. Nói cách khác, những hoạt động này làm cho quá trình thương mại hóa tri thức dân gian thêm mạnh mẽ hơn.

Nhưng rồi, khi người dân bản địa có những trải nghiệm thị trường nhất định; hiểu được những tri thức của mình đang bị chiếm đoạt một cách tràn lan; thì họ bắt đầu ý thức về việc bảo vệ. Đến một lúc nào đó, những cuộc đụng độ mạnh mẽ với doanh nghiệp, dẫn đến kiện tụng là không tránh khỏi. Nó giống như các trường hợp ở nhiều nước trên thế giới mà các nhà nhân học đã đề cập đến trên đây.

Dù sao đi nữa, nếu có cái nhìn xa hơn, rộng hơn và sâu hơn. Việt Nam, với lợi thế là một nước đi sau; sẽ có thể đưa ra những quyết sách hợp lý hơn. Hạn chế được những cuộc đụng độ về lợi ích đó. Nhưng xem ra, viễn cảnh đó vẫn còn xa vời lắm. Nhất là trong thời điểm hiện tại. Trên nhiều phương diện, cả người dân; các nhà quản lý; các nhà doanh nghiệp lẫn các nhà khoa học; vẫn còn khá mù mờ trong vấn đề này./.

Trần Thị Minh Anh

Theo SỞ HỮU TRÍ TUỆ TỪ TRI THỨC DÂN GIAN: NHỮNG CUỘC ĐỤNG ĐỘ TỪ THƯƠNG MẠI HÓA VĂN HÓA của Ths. Bùi Minh Hào.

Xem thêm:
Dân tộc thiểu số Việt Nam và thời buổi kinh tế thị trường
Khung cửa hẹp
The Global DREAM – Giấc mơ khám phá và chinh phục toàn cầu
Giáo dục của Israel có gì đặc biệt

Quảng cáo
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyễn Phúc Quý Quân
Nguyễn Phúc Quý Quân
3 năm trước

Bài viết rất bổ ích ạ!