Về Khuyến học
Dù không phải là tác phẩm đồ sộ nhất hay đước đầu tư nhất của Yukichi, thế nhưng Khuyến học lại là tác phẩm phổ biến nhất của ông đối nước Nhật nói riêng và toàn thế giới nói chung. Quyển sách gồm 17 phần được ông viết ngắt quãng từng phần từ năm 1872 – 1876, mỗi phần lại được chia nhỏ bằng những luận điểm chính. Tổng quan quyển sách, ông đề cập đến “tinh thần cơ bản của con người, đề cập mục đích thực thụ của học vấn” đối với mỗi người dân nói riêng và mỗi quốc gia nói chung.
Quyển sách thể hiện rất rõ chủ trương mà Yukichi và Nhật Hoàng hướng tới trong công cuộc Duy tân Minh Trị để chấn hưng nước Nhật, đó là Hòa thần Dương khí (Tinh thần Nhật Bản, Tinh hoa phương Tây) đưa tất cả sách quý của phương Tây trong hầu hết lĩnh vực đến với mọi người dân trong nước. Xuyên suốt trong Khuyến học thì đối với những lời khuyên về phương hướng học vấn, Yukichi luôn nhấn mạnh về việc phải thoát lý khỏi những sự học cổ hũ của châu Phi, châu Á để học tập từ các cường quốc châu Âu, châu Mỹ một cách có chọn lọc.
Về tác giả Fukuzawa Yukichi
“Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại.”
Năm 1860 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của ông khi tham gia vào phái đoàn Mạc phủ cử sang Hoa Kỳ. Chuyến đi đã giúp ông tiếp cận được thế giới văn minh phương Tây và mở ra cho ông những nhận thức về vị trí Nhật Bản cũng như các nước châu Á lúc bấy giờ trong mắt những người phương Tây. Từ đây, ông đã quyết tâm dành phần lớn thời gian của mình cho việc dịch và xuất bản những quyển sách khai minh cho xã hội Nhật Bản trong suốt cuối thế kỷ 19.
Bước sang những năm đầu thế kỷ 20, nước Nhật hiện đại đã được khai sinh và trở một cường quốc sánh ngang với các nước Âu-Mỹ với điểm nhấn tiêu biểu là đánh chiếm một phần Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan và việc giành thắng lợi trong cuộc Thế chiến đầu tiên của nhân loại.
Chủ trương “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” trong Khuyến học
“Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” là chủ trương canh tân đất nước gắn liền với nhà cách mạng Phan Châu Trinh vào đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Nhật Bản thì chủ trương này của cụ Phan hoàn toàn không hề mới lạ và nó đã được Fukuzawa Yukichi trình bày đầy đủ trong quyển Khuyến học. Bằng một ngôn ngữ bình dị với tầng lớp thị dân của thời kỳ phong kiến kết hợp với văn phong sắc sảo của các nhà triết học thời kỳ khai sáng. Quyển sách đã trở thành một hiện tượng văn hóa khai minh của Nhật Bản trong cuối thế kỷ 19 với 3,4 triệu bản được phát hành trong khi dân số Nhật lúc bấy giờ chỉ khoảng 35 triệu người.
Khai dân trí
Là vấn đề được bàn đến đầu tiên trong sách trước những biến đổi thời cuộc khi những con người suốt đời bị bó hẹp cả đời trong quốc đảo Nhật Bản lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của những quốc gia phương Tây bên kia bán cầu với thành tựu khoa học, kỹ thuật mà họ chưa hề tưởng tượng ra một khẩu súng có thể sát thương mạnh hơn, xa hơn so với một thanh gươm một con tàu có thể chạy mà không cần cánh buồm hay những cây đèn có thể thắp lên ánh sáng mà không cần dầu hay lửa, … Trước những bước tiến mới lạ ấy, việc khai dân trí là vấn đề tất yếu mà nước Nhật phải thực hiện nếu muốn giữ gìn độc lập.
Và tuyên bố đầu tiên trong Khuyến học của Yukichi đã làm thực sự khai dân trí cho toàn bộ người dân Nhật lúc bây giờ:”Trời không ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người, tất cả đều là do học vấn mà ra”. Giờ đây, số mệnh giàu sang hay nghèo hèn, hạnh phúc hay đau khổ đã không còn do ông trời sắp đặt. Một thời đại bình đẳng giữa những con người đã bắt đầu và bản thân mỗi người đều phải tự ý thức được về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ khi làm người, làm dân và làm việc trong xã hội.
Chấn dân khí
Là vế tiếp theo được đề cập khi mỗi người dân đều đã ý thức được vai trò và bổn phận của bản thân đối với nước Nhật. Giờ đây, mỗi người dân đều phải liên kết thành một khối với chính phủ để thể hiện được khí khái của một quốc gia độc lập trong các cuộc đàm phán phương Tây bởi “nền văn minh của quốc gia không thể tiến bộ nếu chỉ bằng quyền lực của chính phủ.”
Và khi “đất nước ta giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào như những người ăn nhờ ở đậu” thì “quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi”. Như vậy, liệu một đất nước không có thiếu đi sự liên kết của người dân và chính phủ, thiếu đi chí khí bảo vệ quốc gia có thể nào tồn tại độc lập được chăng?
Hậu dân sinh
Là vế cuối cùng, đề cập đến quyền tự do trong những mối quan hệ dân sinh của xã hội hiện đại. Giờ đây, hệ tư tưởng phong kiến không hợp thời đại đã bị xóa bỏ, do đó những quan niệm cổ hủ như “Trọng nam khinh nữ” cũng không nên tồn tại nữa. Dù là nam hay nữ thì chúng ta cũng đều mang thân phận con người, vì thế không có lí do gì mà người nam có thể lấy sức mạnh để ép buộc người nữ.
Đối với dân sinh, Yukichi cho rằng việc giải quyết được nhu cầu cho riêng bản thân mới chỉ là hoạt động với tư cách của một cá nhân độc lập. Đã là con người thì sau khi thoát khỏi sự ràng buộc, lệ thuộc, mỗi con người còn phải tiếp tục cống hiến cho xã hội với tư cách của một thành viên trong xã hội con người thì mới gọi là hoàn tất nghĩa vụ dân sinh xã hội.
Cách chia nội dung sách
Dựa trên đánh giá của bản thân, thì đây là các phần mà tôi đánh giá nó phù hợp với mỗi vế trong chủ trương “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”:
Khai dân trí: Trời không tạo ra người đứng trên người, người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học, luật pháp quý giá như thế nào, trách nhiệm của quốc dân.
Chấn dân khí: Hun đúc nuôi dưỡng chí khí độc lập ra sao, trách nhiệm của “người đứng trên người, lòng quả cảm của con người sinh ra từ đâu, hãy sống và hy vọng ở tương lai, phải luôn xem lại tinh thần của bản thân.
Hậu dân sinh: Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ quan của mình, mục đích của học vấn là gì, đẳng cấp địa vị đẻ ra các chí sĩ rỏm, hãy học cách diễn thuyết có hiệu quả, tệ hại nhất là tham lam, tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây, chạy theo độc lập vật chất sẽ đánh mất độc lập tinh thần, bàn về sự tín nhiệm.
Không chỉ phù hợp với những cá nhân muốn tìm hiểu về nền văn hóa, lịch sử nước Nhật hiện đại, quyển sách còn có thể giúp những bạn trẻ sinh viên đang dấn thân trên con đường học tập có được gợi ý để trả lời các câu hỏi như mục đích học của bản thân là gì, đích đến của sự học là gì, quyền lợi, nghĩa vụ hay trách nhiệm của bản thân đối với đất nước ra sao, người dân và quốc dân của một nước có gì khác biệt, làm thế nào để trở thành quốc dân.
TÓM TẮT SÁCH: BỘ BA XUẤT CHÚNG NHẬT BẢN
TÓM TẮT SÁCH: CÁCH TÂN ĐỂ THẮNG