“Văn hóa tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” là một trong số nhiều chủ đề được nhóm các Ths, Ts nghiên cứu trong CTS (Centre for Thinking Science).
Trong đó, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS) là Tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA), có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Khoa học Công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp ngày 15/05/2013, với mục đích phát triển Khoa học Tư duy qua các hoạt động Nghiên cứu, Đào tạo, và Ứng dụng Khoa học Tư duy vào đời sống xã hội góp phần phát triển bền vững đất nước Việt Nam.
Đây cũng chính là một vinh dự khi Câu lạc bộ Chia sẻ kiến thức (KSC) được hợp tác, làm việc với các anh/chị là những Ths, Ts, NCS trong giới nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, buổi tọa đàm về chủ đề “Văn hoá tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” do KSC tổ chức, cùng với tác giả chính của chủ đề nghiên cứu là anh Bùi Minh Hào đã đánh dấu mốc sự vượt trội của KSC trong con đường hướng tới tri thức.
Tọa đàm “Văn hoá tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” – diễn giả Bùi Minh Hào
Buổi tọa đàm về chủ đề “Văn hoá tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” được tổ chức nhằm tạo môi trường trao đổi, chia sẻ cho sinh viên nói chung và các thành viên KSC nói riêng lĩnh hội được tri thức về “vốn văn hóa”, góc nhìn tư duy của người dân tộc thiểu số với nền kinh tế thị trường hiện nay. Thông qua buổi tọa đàm cũng chính là tiền đề để KSC phát triển những chương trình giao lưu với quy mô lớn hơn, lan tỏa tri thức đến với các bạn trẻ của thành phố.
Về diễn giả
Ths. Bùi Minh Hào chuyên nghiên cứu về Vốn văn hóa, về sự phát triển kinh tế thị trường ở miền núi, về văn hóa tộc người trong quá trình thị trường hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, về người Dao ở Lào Cai… Hiện anh đang công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Một số đề tài nghiên cứu của anh có tầm ảnh hưởng như:
“Sự thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số dưới tác động của kinh tế thị trường”, “Sự định vị và tính phản thân trong nghiên cứu định tính – Một tiếp cận phương pháp luận trong nghiên cứu kinh tế thị trường của người Dao ở huyện Sapa, tỉnh Lào Cai”, 3 phần về “Lễ Pút Tồng của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai (Ghi chép điền dã)”, … Chi tiết các nghiên cứu nổi bật của diễn giả tham khảo tại đây.
Bố cục nội dung tác giả chia sẻ
Bố cục nội dung chia sẻ về chủ đề “Văn hóa tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” (Trường hợp cụ thể người Dao ở Sapa) được chia làm 4 phần:
Phần 1: SỰ HÌNH THÀNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở MIỀN NÚI
Trước năm 1945, vùng Sapa đã hình thành kinh tế hàng hóa trọng tâm chủ yếu mặt hàng là: thảo quả, vật nuôi, đặc sản vùng miền. Người Dao ở vùng lưng chừng, là cầu nối giữa người Hmong ở đỉnh núi và các cộng đồng dưới thung lũng trước khi xuôi về đồng bằng. Nơi đây đã hình thành các luồng giao thương từ vùng núi xuống đồng bằng, dọc theo hệ thống sông Hồng. Sau đó, kinh tế hợp tác xã được hình thành giữa những năm 1960 đã triệt tiêu kinh tế hàng hóa trước đó.
Sản xuất phát triển nương, rẫy trở lên quan trọng. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế thị trường hiện đại phát triển, trong đó, ngành du lịch cũng phát triển theo. Du lịch Tả Phìn, Sapa trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Người Dao phát triển kinh tế thị trường nhanh chóng, chuyển đổi từ truyền thống sang thị trường thông qua nhiều hoạt động kinh tế.
Phần 2: SỰ THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Sự thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số được phân tích dựa trên 3 khía cạnh nổi trội: mục đích sản xuất, nguồn lực và giá trị.
- Về mục đích sản xuất: hướng đến thị trường, tính toán lợi ích, phục vụ khách hàng, sản xuất hàng loạt , thay đổi mẫu mã, thay đổi chất liệu và thay đổi cách làm.
- Về nguồn lực: vị trí, vị thế xã hội, quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội, nguồn lực tri thức và tài chính.
- Về giá trị: hướng nội sang hướng ngoại, trọng nam sang trọng nữ, truyền thống sang hiện đại và tái tạo lại bản sắc.
Những sự thay đổi tư duy ở trên đều mang lại các hệ quả 2 chiều (tích cực, tiêu cực) cho cả cảnh quan và đời sống của người dân tộc thiểu số nơi đây. Mặt tích cực: nâng cao đời sống người dân, tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng giao lưu, tiếp xúc, nâng cao năng lực người dân, phát huy các giá trị Văn hóa truyền thống, bình đẳng giới, hội nhập với đất nước và thế giới. Mặt tiêu cực: thay đổi cảnh quan, chạy theo lợi ích, biến đổi văn hoá, tệ nạn xã hội và xung đột lợi ích.
Phần 3: VỐN VĂN HOÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở MIỀN NÚI
Theo tóm lược của Th.s Bùi Minh Hào, khái niệm vốn văn hóa xuất phát từ một nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp – Pierre Bourdieu. Khái niệm này được Bourdieu sử dụng từ những năm 1960 trong quá trình nghiên cứu về xã hội học giáo dục. Đến năm 1986, trong một công trình tổng kết lại về các hình thức của vốn, Bourdieu đã trình bày có hệ thống hơn về hai khái niệm vốn văn hóa và vốn xã hội.
Trong đó, ông xem vốn văn hóa là hệ thống các thành tố văn hóa có thể luân chuyển và tạo ra những giá trị trao đổi trong quá trình phát triển, là một hình thức “tư bản văn hóa”. Theo đó, vốn văn hóa tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là: trạng thái thể hiện (Embodied state), trạng thái khách quan (Objectified state), trạng thái thể chế (Institutionalized state).
Có thể nói vốn văn hóa là một khái niệm trìu tượng, khó hiểu và khó vận dụng thành khung phân tích để khảo sát đối tượng nghiên cứu. Trong bối cảnh các nền văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nhân loại thì những nghiên cứu về vốn văn hóa càng có vai trò quan trọng. Tiếp cận vốn văn hóa mở ra những con đường để nhận thức về việc khai thác, phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa của các cộng đồng, tộc người khác nhau.
Phần 4: QUYỀN CỦA NGƯỜI BẢN ĐỊA TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Dưới tác động của kinh tế thị trường, người bản địa tại các vùng cao dần nhận thức về quyền của người bản địa (quyền của người bản địa là những quyền của các dân tộc thiểu số, hoặc nhóm sắc tộc) thông qua 2 hướng mà tác giả đề cập trong buổi chia sẻ: trong phát triển kinh tế và trong sản xuất tri thức.
- Quyền của người bản địa trong phát triển kinh tế: bảo vệ lợi ích cộng đồng, sở hữu nguồn lực cơ bản, tham gia xây dựng chiến lược, chính sách phát triển và sở hữu trí tuệ cộng đồng, bảo vệ thương hiệu cộng đồng.
- Quyền của người bản địa trong sản xuất tri thức: tham gia quá trình sản xuất tri thức, tham gia thẩm định tri thức liên quan và thể hiện tiếng nói của mình.
Buổi tọa đàm chia sẻ về ” Văn hóa tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường” là một chủ đề học thuật hết sức mới mẻ, đầy tính chuyên môn nghiên cứu cao từ phía tác giả. Từ những kiến thức thực tiễn thông qua những trải nghiệm cá nhân của diễn giả, cùng với tinh thần xây dựng của người tham gia đã khiến buổi chia sẻ kéo dài trong khoảng 5 tiếng trở lên vui vẻ và cởi mở hơn.
Kết thúc buổi tọa đàm này cũng là dấu mốc để nối tiếp những buổi tọa đàm tiếp theo mà KSC mong muốn lan tỏa những giá trị, tri thức cho các thành viên, những bạn trẻ muốn tìm hiểu sâu về các chủ đề nghiên cứu khoa học – tư duy.
Tham khảo: Dân tộc thiểu số Việt Nam và thời buổi kinh tế thị trường