Trong những năm đầu ở ngôi, vua Lê Thái Tổ đã nhiều lần cho quân đánh dẹp các thế lực phản loạn. Trong đó có hậu duệ của nhà Hồ, tiếc là sự kiện này không được chính sử nhắc đến.
Lê Lợi – tức vua Lê Thái Tổ, lên ngôi ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428). Ông “đặt quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh, tức thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Đô nên gọi Thăng Long là Đông Kinh” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong thời gian ở ngôi, ông chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên; sử sách ghi theo miếu hiệu, gọi ông là Lê Thái Tổ và có nhiều lời ca ngợi. Như trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết:
“Vua dấy nghĩa binh, chưa từng giết bừa một người nào. Chỉ biết lấy mềm chống cứng, lấy yếu địch mạnh, lấy ít thắng nhiều, không đánh mà khuất phục được người, cho nên có thể đổi vận bĩ sang vận thái, chuyển thế nguy thành thế yên, đổi cuộc loạn thành cuộc trị. Câu “Người có nhân, thiên hạ không ai địch nổi” chính hợp với vua. Cho nên, vua lấy được thiên hạ, truyền cơ nghiệp đến muôn đời là phải lắm!”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Nhà vua ở ngôi 6 năm, thọ 49 tuổi. Trước kia, nhà vua trỗi dậy, khởi nghĩa, dẹp yên giặc Minh, trải mười năm trong nước được bình định. Kịp khi lên ngôi, quy định thuế khóa, chia ruộng đất, ban hành luật lệnh, mở khoa thi, tổ chức quân cấm vệ, cất đặt quan chức, tưởng lục công thần, dựng trường học… Quy mô sáng nghiệp có thể gọi là rộng lớn”.
Dưới thời Lê Thái Tổ cầm quyền, đất nước thái bình thịnh trị. Nhưng có một số thời điểm, tại một số nơi đã nảy sinh các thế lực chống đối. Buộc triều đình trung ương phải có biện pháp mạnh mẽ để trấn áp.
Thí dụ như vua từng trực tiếp cầm quân đánh dẹp vào năm Canh Tuất (1430). “Mùa đông, tháng 11, vua đi đánh bọn nghịch tặc ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Bấy giờ, Khắc Thiệu và Đắc Thái tranh nhau tự lập, nên phải đi đánh”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Hay như vào tháng giêng năm Nhâm Tý (1432). Vua sai con trai cả là thân vương Lê Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ [vốn là châu Ninh Viễn, sau đổi là châu Phục Lễ, nay thuộc tỉnh Lai Châu]. Đến tháng 11 năm ấy, vua tự mình cầm quân đi đánh châu Phục Lễ buộc Tù trưởng châu là Đèo Cát Hãn phải quy phục…
Có thể thời gian đầu nhà Hậu Lê mới lập, có những khu vực còn chưa kiểm soát được, có những lực lượng vẫn ra mặt chống đối, nhất là ở những vùng rừng núi, biên cương xa xôi. Tuy nhiên sử sách không thể ghi chép đầy đủ, tường tận được hết.
Trong số các lực lượng không được chính sử nhắc đến, có một lực lượng tự xưng là dòng dõi của nhà Hồ; nhưng gốc tích sự thực đến đâu chưa thể khảo xét tường tận được. Một số sách sử địa phương có nhắc đến thế lực này. Tuy sơ lược nhưng cũng cho chúng ta biết được ít nhiều thông tin lý thú.
Trong sách Nội tự thất tộc lược sử viết bằng chữ Hán, được dịch lấy tên là Sự tích thổ ty Lạng Sơn, trong mục về họ Vi có nhắc đến ông Vi Kim Thắng từng làm quan cuối thời Trần. Sau khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi, ông đi ở ẩn tại vùng biên giới.
Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Vi Kim Thắng liền mộ dân đinh trong các động, sách để hưởng ứng và sau này trở thành công thần khai quốc; được Lê Thái Tổ phong chức Trụ quốc, tước Lỗ Đề đốc Mật quận công.
Sách Sự tích thổ ty Lạng Sơn có đoạn viết; “Lúc bấy giờ dòng dõi nhà Hồ tiếm cứ đất Lạng Sơn xưng vương, tức Hồ Nhất Khuê, có Mao quốc công làm Nguyên soái. Năm Thuận Thiên thứ 4 [1431] vua sai con trưởng của ông là Vi Phúc Hân, chức Đô đốc Đồng tri Hoàn quận công dẫn hơn 30.000 quân lên Lạng Sơn đánh giặc, chiêu dân [lúc bấy giờ dân phiêu tán], kiêm quản xứ Quảng Yên. Sau ông trấn thủ biên thùy, vua cho lấy Lộc Châu [châu Lộc Bình] làm quê quán, thế tập phiên thần [đời đời nối nghiệp làm quan ở biên thùy], không cho về quê nữa”. Sách Thất tộc thổ ty Lạng Sơn cũng ghi chép tương tự như vậy.
Về nhân vật Hồ Nhất Khuê (còn gọi là Hồ Kim Khuê). Có tài liệu chép là con Hồ Qúy Ly nhưng không rõ gốc tích cụ thể ra sao. Có sách thì chép rằng người này là dòng dõi con cháu Hồ Qúy Ly tụ tập đồ đảng. Lại được hậu thuẫn của đám giặc cướp bên kia biên giới nên đã nổi binh làm loạn. Chiếm cứ đất Lạng Sơn xưng vương, đặt quan thuộc như một triều đình riêng. Lực lượng này cướp phá gây bất ổn cả một vùng rộng lớn tại Lạng Sơn và Cao Bằng, trở thành mối lo cho triều đình.
Để diệt trừ, nhà Hậu Lê đã sử dụng các tướng lĩnh người dân tộc thiểu số. Họ vừa có uy tín lớn, lại thông thuộc địa hình, phong tục tập quán người dân vùng biên cương.
Lập công trong đánh dẹp Hồ Nhất Khuê, ngoài Vi Phúc Hân còn có Nguyễn Đức Minh (Nguyễn Cẩm Miên). Theo bản Lộc mệnh chi phả của dòng họ Nguyễn Đình; Nguyễn Đức Minh xuất thân trong gia tộc nhiều đời. Ông làm quan đến chức Đô đốc tướng quân, tước Nhị quận công.
Khi Hồ Nhất Khuê làm loạn, ông phụng mệnh vua Lê Thái Tổ đem 15.000 quân đánh Lạng Sơn; kiểm soát nhiều cửa ải từ Nam Lân đến Lạc Nhi, Bình Nhi, Bình Lăng, Lâm Kết… Cho đến sát địa phận Cao Bằng, lại chia quân đóng giữ, vận dụng xen kẽ binh lính người Nùng với người Thổ theo tỷ lệ 1 + 2, 1 + 3.
Trong đánh trận, Nguyễn Đức Minh lập công bắt được một thủ lĩnh quan trọng của quân phản loạn là Mao quốc công tại trận Đoỏng Én (Lạng Sơn). Sau đó bắt được “ngụy vương” Hồ Nhất Khuê ở cửa ải Nam Lân [nay thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn] rồi đánh bại đám giặc cướp “thiên triều”.
Gia phả dòng họ Nguyễn Đình (chi trưởng) ở xã Xung Minh, châu Thoát Lãng [nay thuộc xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn]. Bản Lộc mệnh chi phả cũng có những phần viết về công tích của Nguyễn Đức Minh. Đặc biệt trong giả phả một chi thuộc dòng họ Nguyễn Đình [ở thôn Vĩ Thượng, Vĩ Hạ xã Hoàng Đồng, Thành phố Lạng Sơn] ghi chép rất rõ về công dẹp loạn của Nguyễn Đức Minh như sau:
“Hồi đó có tên Hồ Kim Khuê, đem tướng là Mao quốc công vào vùng Cao – Lạng nhiễu hại nhân dân. Không tuân theo phép nước, không nộp thuế khóa. Hồ Kim Khuê tức là con Hồ Qúy Ly. Nhân dân phiêu tán, chỉ còn lại người Ngô; ruộng đất bỏ hoang, có xã không còn dân, có xã chỉ còn vài ba người vào núi ở, ra ngoài thì ẩn nấp.
Vâng mệnh [triều đình] làm Khâm sai, con thứ 8 là Nguyễn Cẩm Miên, sắc phong Vũ Dực bình Ngô thượng tướng quân đi Lạng Sơn đóng đồn ở Phia Vệ, xã Khánh Dương. Trước tiên ông diệt gian đảng Hồ Kim Khuê, sau đó ông chiêu tập thổ dân đến Lạng Sơn làm ăn, nộp thuế khóa như trước.
Lúc đó bọn giặc đến Lạng Sơn tự xưng là binh sĩ, đem thuốc súng ra phơi nắng. Tướng quân biết tin này cho một người dân ở bản Hoa Hồng giả vờ hút thuốc, châm lửa cháy hết thuốc súng phơi trên chiếu.
Sáng hôm sau diễn ra trận đánh lớn. Giặc ra thành giáp công, sai tướng Mao quốc công dẫn một toán quân ra đánh nhau một ngày đêm. Tướng Mao quốc công bị tướng ta đuổi đánh, chạy đến xã Hoàng Đồng thôn Đoỏng Én, lún vào cái đầm sâu Tà Nghiều, cả người và ngựa bị chém chết. Hồ Kim Khuê nghe tin Mao quốc công bị giết liền bỏ chạy.
Trận ấy ta giết quân Ngô, mười tên chết chỉ còn một sống, đuổi đến ngoài cửa Nam Quan, thực là “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Ta lại bắt sống được Hồ Kim Khuê, đảng giặc chạy tan hết”.
Sau khi dẹp yên phản loạn, vua Lê Thái Tổ luận công ban thưởng. Ban cho họ Vi, họ Nguyễn đời đời được làm quan, nối chức Thổ tù. Phong Vi Kim Thắng làm Trấn ải xứ Lạng Sơn. Nguyễn Đức Minh làm Phó trấn ải, riêng Nguyễn Đức Minh được ban “đất xã Xung Minh, châu Thoát Lãng để làm tổ quán cho con cháu mai sau” [Lộc mệnh chi phả].
Sự kiện dẹp loạn nói trên không chỉ thể hiện sự quyết tâm xây dựng đất nước ổn định, thống nhất của vua Lê Thái Tổ. Người đề ra chủ trương: “Biên phòng phải chăm lo phương lược/Giữ nước cần toan tính kế lâu”; mà còn cho thấy vai trò quan trọng của các thổ ty người dân tộc thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là ở vùng biên cương.
Theo PV (Trí Thức Trẻ) – Báo Dân Việt.
Xem thêm
Ông vua tuyển vợ đặc biệt nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.
VỊ VUA VIỆT ĐẦU TIÊN LẤY VỢ NGOẠI VÀ LÊN NGÔI HAI LẦN TRONG ĐỜI
Chùa Trấn Quốc vào Top kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới
Thời bấy giờ có nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt nổ ra chống lại quân Minh nhưng đều thất bại. Duy nhất Lê Lợi là đánh thắng.
Phong cách bài viết hơi khó hiểu ở một vài chỗ về định danh và địa danh
Thời gian trị vì tuy ngắn, lại trong hoàn cảnh đất nước, vương triều còn ở giai đoạn phôi thai, Lê Lợi đã làm được những việc quan trọng. Tài năng chính trị, cũng như tài năng quân sự của ông là những điều ta phải khẳng định.
Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa. ở đó có đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham… Sau một thời gian chuẩn bị chín muồi, đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy
BÌNH NGÔ ĐẠI CHIẾN – https://www.youtube.com/watch?v=KnCd6ugX5woĐây là trận của những vị tướng tài, anh hùng đất Lam Sơn dưới trướng Lê Lợi, xem qua bạn sẽ thấy vị vua ấy đức độ thế nào, lí tưởng mạnh mẽ thế nào mới có thể quy tụ được các anh hùng hào kiệt như thế này
Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện” theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: “Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng”. Chiến thuật “Vây thành diệt viện” của Lê Lợi kết hợp với chủ trương “mưu phạt nhị tâm công”, uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam
Ủng hộ tác giả, vote ngay 5 sao
Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng.
Ông vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết
Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới.
Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội.
“Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.” – Lê Lợi
Một nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó
Để diệt trừ, nhà Hậu Lê đã sử dụng các tướng lĩnh người dân tộc thiểu số, vừa có uy tín lớn, lại thông thuộc địa hình, phong tục tập quán người dân vùng biên cương.
Một bài viết hay cho những người yêu sử
Bảo vật Quốc gia ghi dấu bút tích của vua Lê Thái Tổ năm 1431 trên khối đá lớn được di dời đặt tại Khu di tích.
Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai đã đi vào sử sách. Nhắc đến người là không quên sự kiện này được
Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:
Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.
Một vị vua lỗi lạc
Lê Lợi trong 5 năm làm vua, bên cạnh những công lao to lớn, có phạm một số sai lầm mà sử sách đương thời cũng thẳng thắn phê phán. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. Song, đa nghi, hay giết, đó là chỗ kém”.
Mình ngưỡng mộ Vua Lê Thái Tổ nhất trong giai thoại lịch sử sau Ngô Quyền. Ông được các sử gia đánh giá cao ở tài năng chính trị, quân sự, kinh tế, là một trong hai vị thánh trung hưng của dân tộc
Lê Lợi thường ở nhà đọc sách, nghiền ngẫm binh pháp, giữ mình chờ thời. Đến khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ, Lê Lợi ngầm có chí khôi phục quốc gia, nên hạ mình tôn người hiền, bỏ tiền của ra nuôi binh sĩ, thu dụng những người mắc lối và chống đối nhà Minh, được nhiều người qui phục. Bài học lùi một tiếng 10 !
Để coi được Lê Lợi thời đó, chưa kể qua nhiều chuyện ông đã trải qua: ẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi ác kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ. Ông không ngừng học hỏi!
Ấn tượng một câu của ông đến tận bây giờ nhớ mãi “Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”. ÔI, sự hùng mãnh ấy !
Ngoài xây dựng kinh tế, Thái Tổ còn phải đối phó với bạo loạn trong nước. Tháng 11 âm lịch năm 1430, Thổ tù ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái nổi dậy; để đối phó, Lê Lợi tuyển binh ở bãi Bồ Đề.
Vị vua nếm mật nằm gai, khởi nghĩa khi chưa thật sự thất lợi. Nhưng bằng tài năng, ý chí quyết tâm và yêu nước để giờ đây lưu danh sử Việt, đời đời nhớ ơn
Ông được coi là anh hùng, vị vua huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân
Người dựng nên nền độc lập khi đánh đuổi hoàn toàn nhà Minh và với chính sách cai trị được dân quan văn võ đồng tình với lịch sử là người thành lập triều đại dài nhất lịch sử VN
cảm ơn page vì những kiến thức vô cùng chất lượng, vua Lê Thái Tổ đã góp công rất lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi nước ta
5 sao cho bài viết.